Skip to main content
Ban biên tập | 13 September 2020

           Với khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cùng sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, lão nông Lý Văn Tư, 68 tuổi, thôn Bản Rỵ, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả thu lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm.

          Đến xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình để tìm hiểu về các mô hình phát triển kinh tế của các hộ nông dân, chúng tôi được ông Vi Văn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa đến thăm khu vườn của ông Lý Văn Tư vào một buổi cuối chiều kèm theo lời giới thiệu: Ông Tư là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Hai vợ chồng ông đã cải tạo khu đồi cằn cỗi để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam đường Canh, cam Vinh, dứa, bưởi, mận cơm… Ông là tấm gương sáng cho nhiều người dân trong xã học hỏi, làm theo để có thể ổn định cuộc sống, tăng thu nhập.

Ông Lý Văn Tư chăm sóc vườn cam Vinh

          Gần 70 tuổi, nhưng ông Lý Văn Tư vẫn nhanh nhẹn chăm, bón từng gốc cây ăn quả. Ông kể: Trước đây, trên khu đất này, tôi đã trồng qua nhiều loại cây ăn quả như: xoài, nhãn, hồng nhưng do không tìm hiểu kỹ thị trường, thiếu vốn, chưa có kĩ thuật nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2015, tôi quyết định chặt hết những loại cây ăn quả trong vườn. Sau đó thuê máy xúc về xới lại đất, chia thửa ruộng bậc thang để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và dễ tiêu thụ hơn như: cam, mận, dứa, bưởi.

          Khu vườn với diện tích hơn 2 ha, ông trồng 1.300 cây cam Vinh, 300 cây cam đường Canh, 300 cây mận cơm, 200 cây bưởi. Để rút ngắn thời gian thu hoạch, ông xuống Bắc Giang mua các cây cao khoảng 1 m với giá 60 – 80 nghìn đồng/cây, sau khi trồng 2 năm đã cho thu hoạch.

          Để vườn cây ăn quả phát triển tốt, năm 2018, ông đầu tư 130 triệu đồng xây bể chứa nước trên đỉnh đồi, rồi lắp hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây trong vườn để tiết kiệm thời gian chăm sóc. Ngoài ra, ông thường tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây trên mạng Internet, tivi, sách báo, rồi trực tiếp đến những vùng cây ăn quả trong và ngoài huyện để học hỏi cách trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. Mỗi dịp huyện, xã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ông đều tích cực tham gia để bổ sung kiến thức. Phân bón ông chọn cũng là loại phân sinh học, thử nghiệm nhiều lần trong vườn để đảm bảo an toàn cho cả người chăm sóc lẫn người tiêu dùng. Bằng việc áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, vườn cây ăn quả đã phát triển tốt, năng suất, chất lượng đều tăng. Năm 2019, gia đình ông thu hoạch trên 10 tấn cam, 1,5 tấn mận, 2 tấn dứa và 6.000 quả bưởi, sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 200 triệu đồng. Thời gian tới, ông dự định sẽ cải tạo 1,5 ha đất đồi để trồng thêm một số loại cây như: mít, mác ca…

          Không chỉ sản xuất giỏi, ông Tư còn hỗ trợ cây giống, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho người dân trong và ngoài xã đến học hỏi mô hình. Ngoài ra, ông cũng luôn tích cực tham gia các phong trào của hội nông dân, nhất là phong trào nông dân giúp nhau làm giàu, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Nguồn: baolangson.vn