Skip to main content
Ban biên tập | 12 September 2020

           Từ ngày 7/5 đến ngày 18/6/2020, huyện Bình Gia có 120 con lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 30 thôn của 13 xã, thị trấn. Trước diễn biến của dịch, các cơ quan, ban, ngành của huyện đã tăng cường phòng, chống dịch, tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh.

          Tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia, ngày 7/5/2020 có 2 con lợn của gia đình ông Hoàng Quang Hải, thôn Còn Nưa chết và được gửi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại xã Hưng Đạo có 3 con lợn của hộ ông Hoàng Văn Thưởng ở thôn Bản Nghĩu chết, mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi lợn chết, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thú y viên cơ sở phối hợp với chính quyền xã đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn của các gia đình trên và tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi…

Thú y viên thị trấn Bình Gia rắc vôi bột, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi tại hộ gia đình

          Ông Hoàng Quang Hải, thôn Còn Nưa, xã Tân Văn cho biết:  Ngay sau khi phát hiện lợn bị chết, gia đình đã phối hợp với thú y viên tiến hành tiêu hủy, rắc vôi bột, xịt thuốc khử trùng chuồng lợn. Tôi sẽ tiến hành đúng theo các bước khuyến cáo của cơ quan chức năng, thú y viên của xã về tiêu độc khử trùng chuồng trại trong thời gian tiếp theo và chưa nuôi lợn trở lại…

          Ông Mông Quốc Hoàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng trên 8 nghìn con lợn, chủ yếu được nuôi nhỏ, lẻ tại các hộ gia đình. Từ đầu tháng 5/2020 đến nay, toàn huyện đã có 63 hộ dân tại 30 thôn của 13 xã có lợn chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với khối lượng 7.250 kg. Ngay khi nhận được thông tin, trung tâm đã tiến hành lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm và thực hiện các bước phòng, chống dịch, bệnh theo quy định. Đồng thời, trung tâm yêu cầu các xã thống kê chính xác số hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn hiện có; theo dõi chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn, khi phát hiện lợn có biểu hiện khác thường hoặc chết phải báo ngay cho trưởng thôn, nhân viên thú y, UBND xã để kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời… Đến nay, các xã đã được cấp 71 lít thuốc, 1.890 kg vôi bột để các thôn tiến hành phun tiêu độc khử trùng. Đối với hộ có lợn chết đều phun tiêu độc toàn bộ chuồng, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh; phun khử trùng đối với hộ có gia súc ốm 1 lần/ngày, các hộ trong thôn có dịch phun 2 hoặc 3 ngày/lần, các thôn khác trong xã phun tuần 1 lần. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu người dân không buôn bán, vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn thôn có dịch; không tự ý giết mổ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện chưa thể xác định được nguồn lây là do giống, môi trường hay từ nơi khác đến.

          Ông Đào Thế Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, phòng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai những biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đến các xã, thôn bản và từng hộ dân. Đặc biệt, tiến hành phun hóa chất ở vùng ổ dịch, vùng xung quanh ổ dịch nhằm bao vây khống chế dịch. Với việc chưa thể xác định được nguồn lây, trước mắt, huyện tập trung tuyên truyền để bà con Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, hạn chế việc sử dụng thịt lợn từ nơi khác, đặc biệt là từ những thôn đã có lợn chết…

          Thời gian tới, để tăng cường phòng chống dịch, các đơn vị chức năng của huyện sẽ đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, chủ động giám sát, phát hiện, tuyên truyền người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán vận chuyển lợn, sản phẩm nhập lậu lợn vào địa bàn; đồng thời phổ biến các mô hình chăn nuôi tốt và phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi lợn… từ đó, ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo an toàn chăn nuôi.

Nguồn: baolangson.vn