Skip to main content
Ban biên tập | 11 September 2020

           Vụ đông xuân năm 2019 – 2020, mô hình sản xuất dưa chuột nếp bao tử được triển khai tại xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình. Mô hình có sự liên kết khép kín sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp nên bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

          Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất cây vụ đông trên cơ sở phát triển chuỗi liên kết giữa người nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, năm 2020, mô hình sản xuất dưa chuột nếp bao tử được Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Hội Nông dân xã Khuất Xá đưa vào trồng tại các thôn: Bản Cảng, Bản Chu, Phiêng Bưa, xã Khuất Xá trên tổng diện tích gần 26 ha với sự tham gia của trên 100 hộ dân. Mô hình lựa chọn loại giống dưa leo lai F1 G7 đem trồng bởi đây là giống dưa dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ từ 30 đến 35 ngày sau khi trồng là cho thu hoạch. Sau hơn 3 tháng triển khai (từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2020), mô hình đã mang lại hiệu quả bước đầu, với năng suất bình đạt từ 1,5 tấn đến 2,5 tấn/sào, ước tổng sản lượng cả vụ đạt trên 50 tấn. So với thâm canh cây lúa thì trồng dưa chuột nếp bao tử được các hộ dân đánh giá là hiệu quả hơn.

Người dân xã Khuất Xá (Lộc Bình) chăm sóc vườn dưa chuột nếp bao tử

          Bà Lường Thị Đâu, thôn Bản Cảng, xã Khuất Xá cho biết: “Do trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật nên cây dưa phát triển tốt. Hai sào dưa của nhà tôi đã cho thu hoạch, trừ chi phí, thu được gần 3 triệu đồng/sào, cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Sau vụ đầu tiên, tôi nhận thấy cây dưa nếp bao tử dễ trồng, thích nghi tốt với đồng đất nơi đây. Hơn nữa, trồng loại cây này không lo đầu ra cho sản phẩm, thu hái đến đâu doanh nghiệp thu mua đến đó. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục trồng loại cây này”.

          Mô hình thâm canh dưa nếp bao tử ở xã Khuất Xá được sản xuất theo chuỗi liên kết. Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền đã cung ứng cây giống, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân. Ông Lý Văn Dương, đại diện Công ty TNHH dưa leo quê vùng miền cho biết: Trong vụ dưa chuột nếp bao tử này, công ty thu mua với giá từ 5.000 đến 9.000 đồng/kg. Bước đầu có thể đánh giá, mặc dù được trồng trái vụ nhưng cây dưa chuột nếp bao tử phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao. Sau thành công của mô hình, công ty sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng sản xuất dưa chuột nếp bao tử tại các địa điểm khác ở huyện Lộc Bình để tạo ra nguồn sản phẩm an toàn, sạch cho thị trường.

          Được biết mô hình sản xuất dưa chuột nếp bao tử lần đầu tiên được triển khai tại xã Khuất Xá. Trước khi tham gia mô hình, các hộ dân nơi đây còn nhiều lo lắng và e ngại bởi chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất. Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của doanh nghiệp, Hội Nông dân xã trong việc hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm nên người dân đã thực hiện đúng các quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Chu Văn Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khuất Xá cho biết: Sau một thời gian ngắn triển khai cho thấy, mô hình sản xuất dưa chuột nếp bao tử đạt hiệu quả, trừ chi phí, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ  9  đến 10 triệu đồng/vụ. Mô hình đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của xã. Trước nhu cầu của bà con về việc tiếp tục được hỗ trợ triển khai tiếp mô hình, thời gian tới, hội sẽ phối hợp với doanh nghiệp xem xét nhân rộng diện tích, tăng số hộ dân tham gia để việc sản xuất dưa chuột nếp bao tử thành mô hình phát triển kinh tế ổn định bền vững ở xã.

          Được biết, hiện tại Hội Nông dân xã Khuất Xá, doanh nghiệp và người dân đã và đang tiếp tục triển khai sản xuất dưa chuột nếp bao tử vụ hè thu năm 2020. Tin tưởng rằng mô hình sẽ tiếp tục thành công, được duy trì, phát triển để xã Khuất Xá thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Nguồn: baolangson.vn