Skip to main content
Ban biên tập | 11 September 2020

           Với tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp, chị Nguyễn Thị Luận (sinh năm 1974), hội viên Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng đã thành công với mô hình phát triển kinh tế, trở thành điển hình trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ở cơ sở.

          Sau 20 năm công tác trong quân đội, năm 2017, chị Nguyễn Thị Luận về hưu và sinh sống tại địa phương. Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 2008, công tác cùng một đơn vị, gia đình không có ruộng vườn chỉ thu nhập bằng đồng lương đủ trang trải cuộc sống chứ không dư dả gì nhiều. Sau đó, tôi được em gái đang kinh doanh thời trang khuyên tìm hiểu về may gia công, mẫu mã và nguyên liệu đã có doanh nghiệp lo nên tôi đã lặn lội bỏ thời gian rảnh để đi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm may từ các xưởng may ở nhiều nơi”.

Chị Nguyễn Thị Luận làm việc cùng công nhân tại xưởng may

          Năm 2014, chị bàn bạc với chồng mạnh dạn bỏ tiền tích góp đầu tư mở cửa hàng nhỏ hợp đồng may gia công quần áo cho hãng Loza (tại Hà Nội) với thiết bị ban đầu chỉ 5 máy may, vốn đầu tư là 30 triệu đồng. Thời gian đầu hết sức khó khăn, cửa hàng nhỏ, máy may ít, cách quản lý, tay nghề công nhân chưa vững, doanh thu hằng năm chưa lớn. Để tạo được uy tín với khách hàng, khi thực hiện mỗi đơn hàng, chị đều hướng dẫn tỉ mỉ cho từng công nhân may về yêu cầu kỹ thuật, nhờ vậy, xưởng may tạo được uy tín với khách hàng, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định, không có hàng lỗi bị trả về. Chị đã dần mở rộng quy mô xưởng may tại gia với diện tích trên 200 m2, 30 máy may công nghiệp và tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương.

          Chị Luận chia sẻ: “Để hoàn thiện một bộ quần áo phải trải qua nhiều công đoạn công phu cần sự khéo léo, kiên trì của người thợ. Ngày trước tôi mới học may, để có được một thành phẩm khó hơn rất nhiều so với việc may một đường thẳng trên miếng vải; nhiều khi mất cả buổi để may, rồi tháo ra lại may vào. Nhưng tôi không nản chí và luôn nhớ lấy câu “Vạn sự khởi đầu nan” để tạo cho bản thân một động lực, cảm hứng vượt qua thử thách”.

          Sau một thời gian nỗ lực, cố gắng học tập kinh nghiệm, có vốn, có lực lượng lao động qua đào tạo, năm 2019, chị đã xây dựng thêm cơ sở tại quê chồng ở huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) với diện tích 200 m2 và 30 máy may, 2 xưởng may chủ yếu phục vụ cho hãng thời trang Loza. Bình quân mỗi năm, 2 xưởng sản xuất được trên 60.000 sản phẩm, sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình chị đạt hơn 500 triệu đồng/năm. Hai xưởng may của chị còn tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với mức thu nhập ổn định.

          Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội CCB xã Cai Kinh cho biết: Với sự cố gắng, năng động trong phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Thị Luận là một tấm gương điển hình của Hội CCB xã. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà chị Luận còn luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm cách làm giàu cho các hội viên khác và người dân ở địa phương.

Nguồn: baolangson.vn