Skip to main content
Ban biên tập | 10 September 2020

           Dù đã gần bước sang tuổi 70 nhưng bà La Thị Ngọc Thủy (sinh năm 1953), Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) khối 6, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn vẫn nhanh nhẹn và đầy nhiệt huyết với công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Bà đã và đang thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.

          Vốn là người nhiệt tình với các hoạt động, phong trào của địa phương, năm 2002, bà Thủy được người dân khối 6 tin tưởng bầu làm tổ trưởng tổ TK&VV của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Trong 18 năm qua, bà Thủy đã trở thành “cánh tay nối dài” kết nối giữa người nghèo với tín dụng chính sách xã hội.

Bà Thủy (bên phải) tuyên truyền cho tổ viên về chính sách vốn mới của NHCSXH

          Những ngày đầu mới quản lý, tổ TK&VV của bà Thủy chỉ có 7 thành viên với dư nợ chưa đến 50 triệu đồng, nhưng hiện nay, tổ đã thu hút được 42 tổ viên với dư nợ 2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

          Tiêu biểu như gia đình bà Lăng Thị Thòm, năm 2018 được vay 20 triệu đồng, bà sử dụng vốn hiệu quả và hiện đã thoát nghèo. Bà Thòm chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, chồng mất sớm, một mình tôi nuôi hai con ăn học. Trong lúc đang loay hoay không biết làm gì thì tôi được chị Thủy hướng dẫn vay vốn ưu đãi và đầu tư làm ăn sao cho hiệu quả. Từ đồng vốn vay, tôi mở cửa hàng tạp hóa tại cổng chùa Tam Thanh để phục vụ khách du lịch, với thu nhập ổn định từ cửa hàng, giờ đây, cuộc sống gia đình tôi ngày càng cải thiện, có điều kiện nuôi dạy con cái”.

          Chia sẻ về bí quyết vừa quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi, vừa được sự tín nhiệm của bà con, bà Thủy nhớ lại: “Thời điểm mới đi vào hoạt động, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù lãi suất cho vay rất ưu đãi nhưng những năm đầu chỉ có vài hộ vay với số tiền ít ỏi, bởi họ chưa biết đầu tư vốn làm gì, sợ không trả được nợ… Do vậy, thời gian đầu, tôi phải đi gõ cửa từng nhà, phối hợp với cán bộ Hội Phụ nữ phường, cán bộ ngân hàng đến tuyên truyền, vận động các hộ mạnh dạn vay vốn. Thậm chí, những gia đình không biết sử dụng vốn làm gì, tôi lại xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chi tiết cho họ sử dụng vốn phù hợp với hoàn cảnh gia đình”.

          Khi bà con đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, bà Thủy xây dựng quy ước hoạt động của tổ và chuyển đến tận tay các tổ viên. Theo đó, việc bình xét vay vốn được thực hiện công khai, minh bạch; thu lãi tập trung và gửi tiết kiệm tại nhà vào ngày mùng 8 hằng tháng; tổ viên phải nộp lãi, trả gốc đúng hạn. Từ đó đến nay, hoạt động của tổ đi vào nền nếp,  không có nợ quá hạn; thu lãi hằng tháng luôn đạt 100%; toàn bộ thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, đến nay số dư của tổ là 132 triệu đồng, các tổ viên gửi từ 100 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng.

          Đặc biệt, bà Thủy có cách làm sáng tạo so với các tổ khác, đó là hằng năm, bà tổ chức tổng kết công tác vay vốn tại tổ TK&VV. Qua đó, các thành viên học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình đã sử dụng vốn vay ưu đãi thành công để các tổ viên học tập. Với cách làm hiệu quả như vậy, hiện tổ TK&VV do bà Thủy quản lý không còn hộ nghèo.

          Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, phụ trách triển khai công tác tín dụng trên địa bàn thành phố đánh giá: Bà Thủy là một tổ trưởng năng động, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao. Gắn bó 18 năm với các chương trình tín dụng, bà đã trải qua những vất vả, khó khăn cùng cán bộ NHCSXH đưa vốn vay đến người dân, góp phần đảm bảo nguồn vốn an toàn, hiệu quả tại cơ sở. Ngoài ra, bản thân bà cũng vay vốn phát triển kinh tế hiệu quả, là gương sáng cho hội viên học tập, làm theo.

Nguồn: baolangson.vn