Skip to main content
Ban biên tập | 8 September 2020

          Thời gian qua, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Trong đó, không chỉ mở rộng về diện tích mà nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được triển khai và nhân rộng. Cùng với đó, việc liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là với hệ thống các siêu thị lớn trong cả nước bước đầu đã được thực hiện có hiệu quả.


Người dân xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng chăm sóc bưởi theo hướng
sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

          Sau nhiều năm phát triển cây ăn quả theo hướng tự phát, trong 3 năm trở lại đây, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Phát triển cây ăn quả Nhật Tiến (xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng) tập trung sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, và theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia các lớp tập huấn do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức, cuối năm 2017, đầu năm 2018, HTX triển khai sản xuất gần 30 ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, 50 ha na theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

          Ông Nguyễn Văn Báo, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thực hiện sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất na an toàn, hiệu quả tăng rõ rệt. Việc sử dụng phân bón vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chăm sóc cắt tỉa cành, quả theo quy trình,… khiến cho cây ít sâu bệnh hơn, mẫu mã quả đẹp, to hơn và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, giá trị kinh tế được nâng lên, như bưởi bán trung bình được 18 – 20 nghìn đồng/quả (Sản xuất theo phương pháp cũ, giá bán trung bình đạt 12-13 nghìn đồng/quả). Hiện nay, HTX có gần 30 ha bưởi, trên 50 ha na, 20 ha nhãn, toàn bộ diện tích đất sản xuất đều đã được tận dụng, thời gian tới, HTX tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

          Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, toàn huyện Hữu Lũng có trên 4.700 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 1.600 ha na; 430 ha nhãn; 455 ha bưởi; 170 ha cam; 172 ha xoài… Từ năm 2018 trở lại đây, huyện tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững. Trong đó, bằng các nguồn vốn khác nhau, UBND huyện hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 35 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 180 ha na VietGAP; 25 ha bưởi, 30 ha dứa, trên 100 ha táo đại theo tiêu chuẩn VietGAP; những diện tích cây ăn quả còn lại cơ bản được người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Năm 2020, với khoảng 2,7 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau, phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện tập trung hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn.

          Tại huyện Chi Lăng, hiện toàn huyện có gần 3.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó, cây na chiếm diện tích nhiều nhất với 1.800 ha, cây bưởi gần 300 ha, cây hồng gần 300 ha, cây vải 330 ha,… Thời gian qua, huyện tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó, đến hết năm 2019, toàn huyện có gần 250 ha na sản xuất theo VietGAP, 5 ha GlobalGAP; 64 ha bưởi, cam VietGAP.

          Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngoài phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, năm 2020, huyện tiếp tục tổ chức Ngày hội Na Chi Lăng. Qua đó, xúc tiến, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả đặc sản trên địa bàn.

          Không chỉ hai huyện trên, hiện nay, việc phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững được các huyện, thành phố tập trung thực hiện. Hiện, toàn tỉnh có trên 17.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó có trên 800 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

          Song song với đó, các huyện, thành phố đẩy mạnh quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm, như: huyện Chi Lăng tổ chức Ngày hội Na Chi Lăng; huyện Hữu Lũng tổ chức Ngày hội quả tươi Hữu Lũng, huyện Bắc Sơn tổ chức Ngày hội quýt vàng Bắc Sơn,… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất hoa quả trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

          Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Cùng với đó, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu phổ biến quy trình gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm quả được sản xuất theo yêu cầu nông sản sạch; nâng cao tỷ lệ diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP; mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Nguồn: baolangson.vn