Skip to main content
Ban biên tập | 7 September 2020

          Với diện tích trên 400 ha được trồng tập trung tại 9 xã, cây hồng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Cao Lộc. Tuy vậy, thời điểm này, xuất hiện bệnh thán thư gây hại hồng ở một số xã: Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Thanh Lòa,… với diện tích nhiễm 23 ha. Để đảm bảo năng suất, chất lượng vụ hồng năm nay, ngành chức năng, người dân đang tập trung triển khai các biện pháp phòng trừ.

          Những ngày giữa tháng 4/2020, gia đình ông Đinh Văn Sĩ, thôn Bản Luận, xã Hòa Cư tích cực theo dõi  tình hình bệnh thán thư gây hại trên cây hồng. Theo ông Sĩ, qua theo dõi, bệnh thán thư xuất hiện trên cây hồng từ khoảng ngày 10/4/2020 với trên 60 cây nhiễm bệnh (gia đình ông Sĩ có 220 cây). Những cây bị nhiễm chỉ xảy ra lác đác trên một số cành với tỉ lệ hại thấp. Sau khi phát hiện, ông đã phun 2 lần để diệt trừ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Qua đó, đến nay, bệnh không lây lan rộng trên cây cũng như lây sang cây khác chưa nhiễm.

          Ông Sĩ cho biết: Bệnh thán thư do một loại nấm gây hại, nếu không diệt trừ kịp thời sẽ lan rộng trên nhiều cành, cây khác. Vì vậy, tôi thường xuyên theo dõi cây. Trong việc phòng trừ bệnh, ngoài việc phun diệt trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn, tôi còn cắt bỏ những cành bị nhiễm, sau đó mang đi đốt. Hiện, tôi tiếp tục theo dõi tình hình bệnh gây hại, từ đó thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, không để bệnh lây lan diện rộng.

Người dân xã Hòa Cư theo dõi bệnh thán thư trên cây hồng

          Xã Hòa Cư hiện có khoảng 80 ha hồng, được trồng ở 7/7 thôn. Hiện nay, bệnh thán thư xuất hiện trên cây hồng xảy ra nhỏ lẻ ở các thôn. Sau khi phát hiện bệnh xuất hiện trên cây hồng, xã chỉ đạo khuyến nông viên, các tổ chức, đoàn thể xã, trưởng các thôn tuyên truyền người dân tích cực các biện pháp phòng trừ. Trong đó, tập trung vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành tăm, cành bị bệnh gây hại nặng cần cắt bỏ và tiêu hủy để hạn chế nguồn dịch hại tồn tại và lan truyền; bón phân cân đối, hạn chế bón đạm trong thời điểm cây bị bệnh,…

          Ông Hoàng Văn Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Cư cho biết: Hiện, xã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện. Trước đó, trong tháng 2/2020, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 lớp tập huấn về phòng chống sâu bệnh hại cây hồng. Qua đó, người dân chủ động và xử lý bệnh hại kịp thời. Hiện, bệnh xảy ra nhỏ lẻ, được xử lý kịp thời, không để xảy ra trên diện rộng.

          Không chỉ xã Hòa Cư, các xã vùng trồng hồng như: Hải Yến, Lộc Yên, Thanh Lòa, Thạch Đạn,…hiện nay đã và đang chủ động các giải pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây hồng. Bên cạnh đó, Hội Sở thích phát triển cây hồng không hạt Bảo Lâm trên địa bàn huyện (gồm 22 thành viên, là những người trồng hồng lâu năm) tích cực chia sẻ kinh nghiệm phòng trừ bệnh thán thư gây hại. Ông Hoàng Trọng Dũng, hội trưởng cho biết: Theo kinh nghiệm và thực tế trồng hồng nhiều năm, để hạn chế bệnh thán thư gây hại, quan trọng nhất là bón phân cân đối, đảm bảo đủ dinh dưỡng và phun phòng trừ ngay từ đầu vụ. Hiện nay, bệnh thán thư gây hại cây hồng ở mức độ nhẹ, cần bón bổ sung phân lân, kaly và phun thuốc phòng, diệt trừ. Trong 1 tuần trở lại đây, mỗi ngày, tôi trả lời trên 30 cuộc điện thoại về các biện pháp phòng trừ bệnh thán thư cho người dân trồng hồng trên địa bàn. Ngoài ra, các hội viên ở những xã khác nhau cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm phòng, trị bệnh hại cây hồng cho người dân.

          Trên địa bàn huyện Cao Lộc hiện có trên 400 ha hồng, tập trung tại 9 xã. Theo thống kê, hiện toàn huyện có 23 ha bị nhiễm bệnh thán thư, rải rác ở các xã; mức độ, tỉ lệ bệnh gây hại trung bình 4%-5% cành, ngọn, cục bộ 8%-15% cành ngọn. Để phòng, chống bệnh không lây lan diện rộng, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp.

          Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Bệnh thán thư do nấm gây nên, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, người dân cần phát hiện sớm, phun phòng trừ kịp thời. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp cắt tỉa cành bị nhiễm nặng, bón phân cân đối, phun thuốc đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, người dân có thể sử dụng một số loại thuốc để phun như: Anmisdotop 500 SC, Amisuper top 500 WP, Ridomil Gold 68WG và tiến hành phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Trung tâm đang tiếp tục dự báo, hướng dẫn các xã về các biện pháp phòng trừ để tuyên truyền người dân thực hiện.

Nguồn: baolangson.vn