Skip to main content
Ban biên tập | 3 September 2020

          Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp. Trong đó, năm 2019, việc phát triển sản phẩm theo hướng nông nghiệp tốt và quảng bá thương hiệu sản phẩm được chú trọng thực hiện và đạt được kết quả tích cực.

          Tập trung sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt

          Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, các huyện, thành phố đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật. Trong đó, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn. Tại huyện Hữu Lũng, việc phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai mạnh từ 2018, với các sản phẩm chủ yếu như: bưởi, dứa, táo. Đến năm 2019, bằng những nguồn vốn khác nhau, huyện tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt. Cụ thể, phát triển được gần 90 ha na theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Yên Thịnh, Yên Vượng, Hòa Lạc, Yên Sơn; 35 ha na theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, lần đầu tiên huyện triển khai thực hiện trồng na theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế) với 35 ha tại xã Cai Kinh.

          Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bằng các nguồn vốn khác nhau, hằng năm huyện đẩy mạnh tuyên truyền, mở lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân; xây dựng, mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, đối với cây ăn quả, toàn huyện có gần 4.700 ha cây ăn quả các loại; đã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được trên 300 ha. Những diện tích còn lại đều được cam kết sản xuất an toàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

http://baolangson.vn/uploads/2020/01/08/2-6.jpg

Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu sản phẩm Na Chi Lăng tại Hội chợ

quảng bá Na Chi Lăng và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại Hà Nội

          Không chỉ huyện Hữu Lũng, các huyện, thành phố đều chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, tập trung phát triển trồng cây ăn quả là chủ yếu, như: huyện Chi Lăng phát triển được trên 200 ha na và 40 ha bưởi theo VietGAP, GlobalGAP; huyện Bắc Sơn phát triển trên 100 ha quýt, 20 ha bưởi; huyện Văn Lãng phát triển trên 100 ha hồng vành khuyên…. Ngoài cây ăn quả, một số sản phẩm cây trồng đặc trưng được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như: lúa nếp cái hoa vàng (Bắc Sơn), thạch đen, quế (Tràng Định), rau xanh (thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc), hồi hữu cơ (Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng), khoai lang (Lộc Bình), chè (Bình Gia, Đình Lập),… đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 800 ha các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, những diện tích còn lại cơ bản được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

          Tạo thương hiệu sản phẩm

          Không chỉ áp dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, các huyện, thành phố chú trọng thực hiện gắn tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm. Trong đó, huyện Hữu Lũng có trên 50 sản phẩm được gắn tem truy suất nguồn gốc như: na, nem nướng, thanh long ruột đỏ, bánh gai, kẹo hồng, măng bát độ, ổi, bánh chưng, mật ong,…; huyện Chi Lăng gắn tem truy suất cho các sản phẩm: na, rau bò khai, bưởi; huyện Văn Lãng gắn tem truy suất cho sản phẩm hồng vành khuyên; Bắc Sơn gắn tem truy suất cho sản phẩm quýt…. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 19 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể như: na Chi Lăng, rau bò khai và ngựa bạch Hữu Kiên (huyện Chi Lăng); quả tươi Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng); hồng vành khuyên (Văn Lãng); thạch đen (Tràng Định); khoai lang Lộc Bình (Lộc Bình); ba kích (Đình Lập)… Và 2 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là hồng Bảo Lâm, hồi Lạng Sơn. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và nâng cao giá  trị sản phẩm.

http://baolangson.vn/uploads/2020/01/08/3-2.jpg

Cam đường Canh được trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Vũ Sơn (huyện Bắc Sơn)

          Song song với đó, năm 2019 các hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản được chú trọng thực hiện. Trong đó, tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ na Chi Lăng và nông sản đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội; huyện Chi Lăng tổ chức ngày hội na Chi Lăng; huyện Hữu Lũng tổ chức ngày hội hoa quả tươi; huyện Bắc Sơn tổ chức ngày hội quýt vàng Bắc Sơn… Thông qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân có nhiều cơ hội kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tại diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn (tại Hà Nội), các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm với người dân vùng sản xuất.

          Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó, hỗ trợ tích cực trong quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu, nhãn hiệu đặc sản vùng miền đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

          Với sự nỗ lực đó, năm 2019 lĩnh vực nông nghiệp đạt được kết quả quan trọng. Trong đó, trồng cây ăn quả được 722 ha, tăng 28,9% kế hoạch, tăng 100,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế; các sản phẩm được quan tâm phát triển mang lại hiệu quả. Như, sản phẩm na Chi Lăng, Hữu Lũng sản lượng đạt trên 32.000 tấn, giá trị mang lại cho bà con nông dân khoảng 1.200 tỷ đồng (tăng 150-200 tỷ đồng so năm 2018); cây ớt giá trị mang lại khoảng trên 600 tỷ đồng; …trên địa bàn tỉnh có 3 sản phẩm được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2019, đó là rau thành phố Lạng Sơn, na Chi Lăng và khoai Lang Lộc Bình.

Nguồn: baolangson.vn