Skip to main content
Ban biên tập | 9 September 2020

          Đó là ông Phan Sinh Tiến, sinh năm 1957, xóm Suối Nay, thôn Khau Bao, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn. Ông là một trong số ít những người còn lưu giữ được nghề truyền thống làm chiếc nỏ. Việc làm nỏ không chỉ góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông mà còn góp phần bảo tồn, giữ gìn nghề làm nỏ truyền thống nói chung, bộ môn thể thao bắn nỏ nói riêng.

          Đến thăm ngôi nhà ông Phan Sinh Tiến, ấn tượng đậm nét với chúng tôi là những chiếc nỏ do ông tự tay làm theo sự đặt hàng của khách và rất nhiều huy chương của các giải bắn nỏ qua mỗi lần ông tham gia được treo trên tường.

Ông Phan Sinh Tiến căng chỉnh dây nỏ và cánh cung cho thật chính xác

          Trò chuyện với chúng tôi, ông Tiến chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Dao, có truyền thống làm nỏ nên ngay từ khi mới 12 tuổi tôi đã biết làm nỏ. Ban đầu, tôi chỉ có ý định làm vì sở thích. Sau đó, được nhiều người biết đến và đặt hàng nhiều nên tôi đã làm để phục vụ nhu cầu của người dân.

          Với đôi bàn tay khéo léo cùng tính kiên trì, tỉ mỉ nên các sản phẩm của ông làm ra đều có độ chính xác rất cao và được thể hiện qua những đường nét tinh tế, rất bắt mắt. Bằng kinh nghiệm trên 50 năm trong nghề, ông đã tự đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu về cách làm nỏ để có được chiếc nỏ ưng ý nhất với mọi khách hàng. Theo đó, với bộ phận cánh nỏ, ông cẩn thận lựa chọn và sử dụng duy nhất một loại gỗ quý trên rừng có tên gọi theo tiếng dân tộc của ông là “gỗ chẩn”. Đây là loại gỗ duy nhất đủ tiêu chuẩn vừa cứng vừa dẻo của cánh cung. Dây nỏ được lựa chọn và tước từ những cây gai có đủ độ già nhất định, đảm bảo yêu cầu không non quá sẽ cho sợi gai quá mỏng nhưng cũng không được già quá sẽ khiến dây nỏ hay đứt. Phần báng nỏ có thể được làm bằng gỗ nghiến, gỗ lý, gỗ tạp… hoặc các loại gỗ khác miễn là đủ độ cứng. Còn mũi tên được sử dụng từ cây mai già trên rừng để đảm bảo độ cứng cần thiết giúp mũi tên không bị xòe phần đuôi khi bắn. Một chiếc nỏ thành phẩm còn cần có thời gian nhất định để căng, chỉnh sửa trực tiếp sao cho cánh cung được cân, đều, giúp mũi tên được bắn ra sẽ chính xác nhất có thể.

          Những chiếc nỏ đầu tiên được bán chính thức từ năm 2003 do khách tìm đến trực tiếp để đặt hàng với ông. “Tiếng lành đồn xa” nên lượng khách hàng tìm đến với ông ngày càng tăng dần qua thời gian và không còn gói gọn trong phạm vi ở xã, ở huyện nữa mà lan dần sang các huyện, các tỉnh khác. Trung bình một năm ông bán được 100 chiếc nỏ, đặc biệt năm 2013, ông bán được gần 250 chiếc nỏ. Với mức giá một chiếc nỏ bán ra dao động từ 300.000 đến 1000.000 đồng tùy theo mẫu mã, yêu cầu của sản phẩm đã đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

          Không dừng ở việc sản xuất nỏ, ông còn truyền lại nghề làm nỏ cho những thế hệ sau có chung niềm đam mê với nghề này. Đến nay, tại xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn cũng đã có thêm 3 người được ông truyền dạy và làm được nỏ để bán ra thị trường.

          Ngoài việc làm nỏ, từ năm 2001 đến 2011, ông còn tham gia và đạt nhiều giải cao tại các giải thi đấu bắn nỏ các cấp. Sau đó, ông không còn trực tiếp tham gia thi đấu nữa mà lui lại phía sau để nhường bước cho thế hệ trẻ, vừa là người thầy hướng dẫn các thành viên mới chập chững đến với bộ môn này, vừa là người tổ chức các cuộc giao lưu bắn nỏ trong thôn nhằm tạo thêm hứng khởi cho nhân dân.

          Nhận xét về ông Phan Sinh Tiến, ông Ma Thành Đông, Chủ tịch UBND xã Tân Tri cho biết: Ông Tiến không những là một Bí thư chi bộ thôn năng nổ, nhiệt tình mà còn là một tấm gương về việc giữ gìn nghề làm nỏ. Nghề làm nỏ của ông xuất phát từ truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, chiếc nỏ do ông làm ra có độ chính xác rất cao nên được nhiều người tin tưởng tìm đến đặt hàng. Xã rất ủng hộ việc giữ gìn bản sắc dân tộc này, khuyến khích  thời gian tới, ông sẽ tiếp tục gìn giữ nghề và truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ để nghề không bị mai một.

Nguồn: baolangson.vn