Skip to main content
Ban biên tập | 9 September 2020

          Lựa chọn việc phát triển kinh tế gắn với nghề truyền thống, cơ sở sản xuất bánh phở của ông Hoàng Văn Bình, khu Bờ Sông, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình không những bảo tồn được nghề gia truyền mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

          Ông Bình sinh năm 1960, là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm nghề tráng bánh phở. Từ năm 1990, khi cha mẹ già yếu, vợ chồng ông chính thức tiếp quản và chịu trách nhiệm hoạt động sản xuất của gia đình. 30 năm qua, bánh phở của ông tiếp tục được khách hàng ưa thích. Gia đình ông trở thành một trong những hộ kinh doanh tiêu biểu của thị trấn Lộc Bình.

          Ông Bình cho biết: Trước đây, gia đình sản xuất cả cao khô và bánh phở, tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu của khách hàng đối với bánh phở ngày càng nhiều nên ông đã chuyên tâm vào sản xuất mặt hàng này. Bánh phở của gia đình được làm từ gạo bao thai nguyên chất nên sợi phở dẻo và có mùi thơm mát. Trong quá trình làm bánh, khó nhất là công đoạn tráng bánh, phải biết cách láng đều bột trên khuôn, không để chỗ dày, chỗ mỏng, làm sao cho bánh chín đều.

Ông Bình kiểm tra gạo bao thai trước khi xay bột tráng bánh

          Ông Phùng Văn Bình, chủ quán phở ở thôn Háng Cáu, xã Đồng Bục cho biết: Từ khi mở quán bán phở, chúng tôi đã thử qua bánh phở của nhiều nhà. Tuy nhiên, khách hàng ưa thích nhất sợi phở của nhà ông Bình. Bánh phở của nhà ông Bình tráng bằng tay nên sợi luôn giữ được độ dẻo, dai, mềm, hơn nữa lại không có  chất phụ gia nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Mỗi ngày tôi đều đặt ông Bình tráng 50 kg bánh.

          Trước đây, cơ sở sản xuất của ông sử dụng than, củi để đốt lò tráng bánh, năng suất không cao, mỗi ngày làm được từ 50 kg đến 70 kg. Khi nhu cầu khách hàng ngày càng tăng, từ năm 2018, gia đình ông Bình đã đầu tư các trang thiết bị như: khuôn tráng bánh, cối xay, bếp điện. Tuy nhiên, điều khác biệt là ông không sử dụng máy cán bột, ông Bình vẫn giữ phương pháp tráng bánh bằng tay để sợi bánh mềm, dai, không dễ nát khi nấu phở. Đây là cơ sở duy nhất còn giữ  được phương pháp làm bánh phở truyền thống trên địa bàn thị trấn Lộc Bình.

Hằng ngày, các thành viên trong gia đình ông phải dậy từ 3 giờ sáng để kịp làm và giao bánh cho khách hàng. Mỗi ngày, gia đình ông tráng được từ 1 đến 1,5 tạ bánh phở và giao cho các quán phở trên địa bàn thị trấn Lộc Bình. Với mức giá trung bình 12.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, thu nhập của gia đình đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

          Lựa chọn việc phát triển kinh tế gắn với nghề truyền thống, cơ sở sản xuất bánh phở của gia đình ông Hoàng Văn Bình đã được lựa chọn là một trong những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của thị trấn. Vừa qua, ông vinh dự được tham dự hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến của thị trấn, ông được Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Bình tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 – 2020.

Nguồn: baolangson.vn