Skip to main content
Ban biên tập | 5 September 2020

          Thời gian qua, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Lộc Bình (Agribank Lộc Bình) đã đồng hành cùng người dân trên địa bàn, giúp nhiều hộ dân có cơ hội vay vốn để xây dựng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. 

          Từ năm 2007, ông Phan Đăng Thái, thôn Pò Kính, xã Đông Quan bắt đầu sản xuất các sản phẩm đồ gỗ như giường, tủ, bàn, ghế để cung cấp ra thị trường. Với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, năm 2017, ông vay vốn từ Agribank Lộc Bình để xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại như máy đục, máy bào, máy cuốn… để sản xuất đồ gỗ. Đến nay, diện tích nhà xưởng của ông rộng hơn 4.000 m2, tạo việc làm cho hơn 15 lao động với thu nhập trung bình từ 10 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Phương Thái, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình

tạo việc làm cho 15 lao động

          Ông Thái cho biết: “Việc vay vốn tại Agribank Lộc Bình rất thuận lợi, thủ tục nhanh gọn, giải ngân kịp thời. Lượng vốn vay đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất của gia đình, vì vậy, sau mỗi lần đáo hạn, tôi mạnh dạn vay vốn với số tiền lớn hơn để mở rộng quy mô. Đến nay, tổng dư nợ mà tôi đã vay từ Agribank Lộc Bình lên hơn 3 tỷ đồng”.

          Không riêng ông Thái,  nguồn vốn cho vay của Agribank Lộc Bình những năm qua đã giúp nhiều gia đình, khu vực nông thôn có vốn để phát triển để sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà siêu trứng của anh Phùng Văn Khai, thôn Háng Cáu, xã Đồng Bục. Anh Khai cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi vay 80 triệu đồng từ Agribank Lộc Bình để đầu tư chuồng trại và giống gà siêu trứng. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, không chỉ trả xong nguồn vốn vay vào cuối năm 2008, gia đình tôi còn có vốn phát triển sản xuất. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm,  gia đình tôi duy trì nuôi gần 3.000 con gà siêu trứng, mỗi ngày cho thu trên 2.000 quả. Với giá bán trung bình 2.500 đồng/quả, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”.

          Để cung ứng vốn kịp thời đến đúng đối tượng và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, Agribank Lộc Bình đã phân công cán bộ tín dụng phụ trách theo địa bàn từng xã, thị trấn, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục vay nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, cán bộ còn tư vấn, định hướng người dân lập hồ sơ vay vốn và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, thế mạnh từng gia đình. Agribank Lộc Bình cũng đã thành lập 24 tổ vay vốn hoạt động có hiệu quả tại các xã trên địa bàn huyện. Hiện ngân hàng triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chương trình này đều được cán bộ tín dụng giới thiệu đến các tổ vay vốn, phổ biến tới người dân.

          Ông Trần Đại Dương, Phó Giám đốc Agribank Lộc Bình cho biết: Nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện ở chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1% (trong mức cho phép). Tính đến hết tháng 6/2020, tổng dư nợ của Agribank Lộc Bình đạt 600 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 527 tỷ đồng với trên 4.600 lượt hộ đang sử dụng vốn, chiếm gần 88% tổng dư nợ. Các hộ vay, đa phần đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có khả năng trả nợ và trả lãi. Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách vay vốn đến người dân, đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Nguồn: baolangson.vn