Skip to main content
Ban biên tập | 5 September 2020

           Thời gian qua, huyện Bắc Sơn tập trung phát triển các mô hình kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

          Những ngày đầu tháng 8/2020, chúng tôi đến hộ ông Hoàng Công Lai, thôn Khau Ràng (xã Đồng Ý), được chứng kiến ông Lai cùng một số người trong gia đình đánh bắt cá. Với mẻ lưới đầu tiên, ông Lai kéo được khoảng 2 tạ cá trắm, con to nhất trọng lượng lên tới 8 kg. Theo ông Lai, do khu vực thôn có suối chảy, là điều kiện phù hợp cho nuôi cá nên ông cải tạo hơn 1 mẫu vườn bãi để xây dựng thành ao kiên cố nuôi cá. Cùng với đó, ông tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá do xã tổ chức, đồng thời học kỹ thuật nuôi cá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình nuôi, ông Lai được Nhà nước hỗ trợ 1 máy điều hòa ô xy trong nước cho cá và gần 100 con cá giống từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất – Chương trình xây nông thôn mới.

Mô hình phát triển nuôi cá của người dân xã Đồng Ý cho hiệu quả kinh tế cao

          Ông Lai cho biết: Được hỗ trợ của Nhà nước, tôi phát triển mô hình nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, năm 2019, tôi thu khoảng 1,8 tấn cá, thu trên 120 triệu đồng, ước tính năm 2020 thu hoạch khoảng 2,3 tấn cá, thu trên 160 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang cải tạo thêm 5 sào bãi để mở rộng diện tích nuôi cá. Việc chuyển đổi diện tích sang nuôi cá cho thu nhập cao hơn 10 lần so với trước đây chỉ trồng màu.

          Không chỉ gia đình ông Lai, hơn 30 hộ dân thôn Khau Ràng cải tạo vườn bãi trồng màu (hoặc bỏ không) không hiệu quả sang đào ao nuôi cá và thành lập chi hội nghề nghiệp (chuyên nuôi cá). Trong năm 2019, chi hội đánh bắt và tiêu thụ trên 14 tấn cá, với giá trị gần 1 tỷ đồng, ước tính năm 2020 tiêu thụ trên 16 tấn cá các loại.

          Mô hình nuôi cá như trên là một trong nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế của huyện. Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã phát triển được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Trong đó, các mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) được phát triển mạnh như: nuôi dê, bò sinh sản ở xã Nhất Tiến; nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở xã Chiến Thắng, Long Đống; mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Đồng Ý; nuôi thỏ tại thị trấn Bắc Sơn; sản xuất Quýt theo quy trình ViệtGAP tại xã Chiến Thắng, Vũ Sơn; nuôi hươu sao tại các xã: Chiến Thắng, Tân Hương, Nhất Hòa… Đặc biệt, ở huyện đã có một số gia đình có mô hình liên kết sản xuất với các Công ty lớn như: Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (liên kết chăn nuôi lợn quy mô trang trại 2.000 con/năm tại xã Tân Thành); Công ty TNHH Japfa ComFeed Việt Nam (liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Long Đống với quy mô 30.000 con/lứa).

          Theo ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 40 mô hình phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích trên 170 ha tại các xã: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Đồng Ý, Tân Lập, Bắc Quỳnh; vùng trồng quế diện tích trên 1.000 ha tại các xã: Tân Tri, Vạn Thủy; phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại các xã: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Quỳnh Sơn, Vũ Lăng; phát triển cá lồng tại các xã: Quỳnh Sơn, Vũ Lăng, Trấn Yên, Đồng Ý… Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

          Song song với đó, các mô hình kinh tế trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp được phát triển như: mô hình sản xuất ngói máng (xã Bắc Quỳnh); mô hình homestay – làng văn hóa du lịch cộng đồng (xã Bắc Quỳnh); mô hình du lịch sinh thái Mỏ Mắm (xã Chiến Thắng)… Theo ông Dương Hữu Phong, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, hiện nay, trên địa bàn huyện có 76 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã, 43 tổ hợp tác, trên 5.200 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Đây là những mô hình kinh tế hoạt động tích cực, có hiệu quả.

          Ông Phong cho biết thêm: Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền huyện trong phát triển kinh tế, trong đó thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn đã góp phần hình thành, phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế. Qua đó, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, một số cây có giá trị kinh tế phát triển mạnh như: lúa nếp cái hoa vàng tăng từ 109 ha (năm 2015) lên 154 ha (năm 2020); cây quýt đạt 550 ha (năm 2020), tăng 120% so với năm 2015;… Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 90 tỷ đồng (năm 2015) lên 111,3 tỷ đồng (năm 2020);… thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm (2020), tăng 1,9 lần so với 2015.

Nguồn: baolangson.vn