Skip to main content
Ban biên tập | 28 July 2020

        Giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em là trách nhiệm của các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Do đó đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ; có biện pháp xử lý người đứng đầu cơ quan đơn vị chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em.


Cổng TTĐT Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Quốc hội giám sát tối cao tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Phát biểu tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội, các đại biểu đều ghi nhận thời gian qua việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; phần lớn các cấp, các ngành, toàn xã hội đã quan tâm và nhận thức về công tác trẻ em ngày một nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.

Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em.

Các đại biểu cũng đánh giá cao Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em của Thủ tướng Chính phủ song cũng cho rằng Quốc hội cũng cần ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nhiệm vụ

Đại biểu Dương Minh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em không chỉ là trách nhiệm một vài ngành, bộ, địa phương mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Theo báo cáo kết quả giám sát, Đoàn giám sát có kiến nghị liên quan đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, kiến nghị Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân tối cao, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo 7 Bộ có liên quan đó là Bộ Lao động - Thương binh xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công An.

Đại biểu Dương Minh Tuấn cũng đề nghị Chính phủ ngoài các bộ trên, chỉ đạo thêm Bộ Xây dựng hướng dẫn chuyên môn trong xây dựng thời gian tới, bổ sung quy chuẩn, điều kiện để các địa phương khi cấp phép xây dựng các chung cư, trường học, cơ quan cao tầng bắt buộc chủ đầu tư phải lắp camera trong thang máy, xem đó là điều kiện không thể thiếu khi xin giấy phép xây dựng và dần dần tiến đến lắp camera trong các thang máy các nơi công cộng.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em cần được đưa lên hàng đầu đó là cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em. Thậm chí có một số nơi còn coi nhẹ công tác này. Đậi biểu chỉ rõ, theo Báo cáo số 69 báo cáo đầy đủ của Đoàn giám sát thấy có số liệu là 49/63 tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố chưa có nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo thực hiện nội dung này mà chủ yếu lồng ghép vào các nhiệm vụ chung về kinh tế - xã hội với các nội dung chưa đầy đủ, chưa đáp ứng với yêu cầu hoặc là chậm ban hành các nghị quyết này. Đại biểu nhấn mạnh đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân bởi một khi mà cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn nhận thức chưa đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đánh giá các nhóm giải pháp đưa ra rất toàn diện, kiến nghị từ Trung ương, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành, song, đại biểu Nguyễn Hồng Vân cho rằng còn thiếu là do nguyên nhân trên chưa được xử lý một cách triệt để, chưa thấy có cấp ủy, chính quyền, cơ quan hoặc cá nhân nào bị kiểm điểm, xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ở địa phương mình quản lý. Đại biểu Nguyễn Hồng Vân đề nghị báo cáo đã chỉ ra những sai phạm thì cần phải xử lý để nêu gương và để răn đe, khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết qua rà soát 5 nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016-2020 và từng năm trong kỳ đều nêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đại biểu nêu rõ, trong 5 năm 2016-2020 chú trọng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phát triển bền vững dân số và phần 5 có đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo tình hình hiện tại. Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì có hạn chế về công tác quản lý nhà nước, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Một số bộ, ngành chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định trong Luật Trẻ em, dẫn đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành và địa phương hiệu quả chưa cao. Do đó, đai biểu đề nghị Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung nội dung đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Trẻ em. Cụ thể là chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến thực hiện quyền trẻ em. Phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, biện pháp và làm tốt công tác phối hợp trong việc thực hiện quyền trẻ em. Giải quyết các vấn đề về trẻ em, tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em và khắc phục những hạn chế nêu trên.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện, tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương bảo đảm việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của quốc gia, của ngành và địa phương theo quy định, để làm cơ sở bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp căn cơ về quyền trẻ em. Giải quyết các vấn đề về trẻ em, bảo đảm xây dựng, phát triển dân số và nguồn nhân lực bền vững.

Trong khi đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, bày tỏ trăn trở và bức xúc đối với một bộ phận trẻ em hiện nay có nguy cơ bị xâm hại rất cao là nhóm trẻ em ăn xin. Đại biểu cho cho biết đây là một nhóm trẻ em rất khó khăn, đáng thương cũng sẽ là nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại bởi các hành vi xâm hại tình dục, bắt cóc, mua bán người, cũng sẽ đối mặt với nguy cơ lớn lên các em này sẽ không có việc làm, sẽ thất nghiệp, tệ nạn xã hội. Trong khi hiện nay việc xác định hành vi vi phạm pháp luật trong thực trạng ăn xin hiện nay rất là khó. Nghị định số 144 có quy định: “Người nào ngược đãi trẻ em vì mục đích trục lợi, tổ chức ép buộc đi ăn xin thì sẽ bị phạt và mức phạt từ 10 triệu cho đến 15 triệu”, một mức phạt rất nhẹ và chưa đủ để lột tả tính chất, mức độ và chưa đủ sức răn đe.

Do đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung làm rõ về tình trạng trẻ em ăn xin hiện nay, làm rõ tính chất, mức độ, tác hại đến trẻ em. Bổ sung các giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cụ thể cho ngành công an, chính quyền địa phương trong quản lý địa bàn, không để xảy ra tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại cũng như cưỡng bức lao động thông qua hình thức đi ăn xin. Đối với những trường hợp thực sự khó khăn thì cần phải phát hiện kịp thời, can thiệp, hỗ trợ, không để cho những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh phải lang thang, đi ăn xin như vậy, quan trọng nhất là tương lai của các em không được đảm bảo.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội nghiên cứu pháp điển hóa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đối tượng trẻ em đi ăn xin. Bổ sung những quy định pháp luật đủ mạnh, đủ thực tiễn để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em qua hình thức này, không để bỏ lọt tội phạm, không oan sai, không có những khoảng mờ, khoảng trống pháp luật trong quy định, thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, cũng như trong pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung.

Bày tỏ tâm đắc với những bài học kinh nghiệm mà Đoàn giám sát đã đưa ra và nhất là các giải pháp kiến nghị với từng cấp, từng ngành và với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cũng đề nghị bổ sung một số nội dung. Theo đó, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải được cụ thể hóa và phù hợp với nhận thức của bà con dân tộc thiểu số. Ở khu vực này cần quan tâm đến các hình thức như là tuyên truyền tại chợ phiên, tuyên truyền bằng pa nô, áp phích và tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Việc tuyên truyền phải tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động với trẻ em, đó là phải có kỹ năng tự bảo vệ bản thân, biết tìm đến người khác nhờ giúp đỡ khi có nguy cơ bị xâm hại. Các bậc cha mẹ phải thấy được trách nhiệm của chính mình trong việc chăm sóc con cái. Cộng đồng phải thấy được việc tảo hôn, kết hôn cận huyết và các vấn đề hủ tục phải được loại bỏ để đảm bảo chất lượng dân số và cuộc sống. Mỗi địa phương phải rõ chủ thể và kinh phí khi làm công tác này.

Cần tăng cường trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật, vận động xóa bỏ nạn tảo hôn.

Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ phải tăng cường hướng dẫn hội viên để họ biết tự bảo vệ mình, bảo vệ con cái và nhất là xây dựng gia đình với nếp sống văn minh; tổ chức đoàn cũng cần củng cố hội đồng đội cấp xã, chủ động nắm bắt tình hình về trẻ em.

Cùng với đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lựa chọn các cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở phải có trình độ, kinh nghiệm và nhất là kỹ năng vận động quần chúng, phải hiểu được phong tục tập quán của đồng bào và tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các hoạt động phòng ngừa xã hội như giúp đồng bào phát triển kinh tế, tham mưu, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhất là thực hiện hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xâm hại trẻ em, người chưa thành niên, vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người. Đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ một cách hiệu quả, nắm chắc địa bàn dân cư, nắm từng đối tượng, kịp thời phát hiện, tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi xâm hại trẻ em làm công tác hỗ trợ điều tra ban đầu, bảo vệ nguồn chứng cứ và xử lý linh hoạt các tình huống, tránh bỏ lọt tội phạm và lưu ý có cách làm việc với nạn nhân phù hợp tâm lý của trẻ em.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, mong muốn trong thời gian tới toàn xã hội nâng cao hơn nữa ý thức, đặc biệt các cơ quan chức năng sẽ tập trung cho công tác nắm tình hình để các cơ sở, các đơn vị trường học sẽ ngày càng được cải thiện hơn về việc phòng ngừa và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) nêu rõ Nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến khía cạnh nhận định về hành vi xâm hại trẻ em đã xác định hướng bổ sung, hoàn thiện luật, thực thi luật và giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Nghị quyết cũng cần được định hướng việc phòng, chống xâm hại trẻ em theo hướng phòng ngừa là chính, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại thực tế khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội, phụ huynh nhà trường mới xoắn lên việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, cần định hướng, xác định nhóm trẻ dễ bị xâm hại, trong đó chú ý nhóm trẻ ở các trường nội trú, các trung tâm bảo trợ xã hội, ở các cơ sở tôn giáo. Cần định hướng giáo dục pháp luật, giới tính đồng bộ với toàn xã hội chứ không chỉ cho trẻ em hay các cơ sở tôn giáo và trường học.

Đại biểu cho biết hiện nay việc giáo dục kỹ năng, phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức, đối phó trên giấy tờ. Bản thân trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính, về pháp luật, không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào, kỹ năng được huấn luyện chỉ là: Không được đi với người lạ, không được để người lạ đụng vào người, v.v. nhưng cuối cùng đa số các vụ xâm hại là từ người thân và người quen. Bản thân người lớn cũng nhận thức không đúng và chưa đầy đủ về các hành vi xâm hại. Đại biểu nhấn mạnh quan trọng nhất là giáo dục nhận diện đúng và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống bị xâm hại./.

Nguồn: molisa.gov.vn