Skip to main content
Ban biên tập | 7 February 2020

Những năm qua, phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã gương mẫu, đi đầu thực hiện nhiều phong trào, hoạt động ở địa phương, trong đó có phong trào phát triển kinh tế với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.

Mô hình trồng cây ăn quả của ông Chu Nga, 70 tuổi, khối 10, phường Tam Thanh là một trong những mô hình kinh tế điển hình của NCT trên địa bàn. Ông Nga chia sẻ: Trước đây, gia đình tận dụng đất đai sẵn có để trồng lúa, hoa màu song hiệu quả kinh tế thấp. Sau một thời gian trăn trở, tìm hiểu, năm 2012, tôi quyết định chuyển đổi trồng 200 gốc ổi Đài Loan và 100 cây bưởi da xanh, sau đó trồng thêm 1.000 cây cam Canh. Tôi học hỏi cách chăm sóc các loại cây này qua sách báo và kinh nghiệm của người dân ở nhiều tỉnh, thành phố. Nhờ đó, cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều năm nay đã cho thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn tận dụng đất trống để chăn nuôi gia cầm; tổng thu nhập của gia đình đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Mô hình cây ăn quả của ông Chu Nga (ngoài cùng bên trái), khối 10, phường Tam Thanh

Tương tự, ông Đoàn Văn Bường, 77 tuổi, thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc cũng là một tấm gương trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Bường tâm sự: Năm 2012, khi con cái đi làm ăn và thoát ly hết, để đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình và cũng để thỏa niềm đam mê, tôi đầu tư trồng rừng, hoa màu, cây ăn quả, ao cá và nuôi ong. Hiện nay, tôi duy trì trồng trên 300 m² hoa màu; 3 ha trồng cây đào, hồi, trám đen và cây lấy gỗ; hàng trăm cây bưởi Diễn, mận… Tổng thu nhập của gia đình đạt gần 120 triệu đồng/năm.

Ông Lương Viết Khê, Trưởng Ban đại diện Hội NCT thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố hiện có trên 7.300 hội viên NCT. Thời gian qua, hội luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng”, trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong  phát triển kinh tế, hội tuyên truyền, vận động hội viên nêu gương thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm để con cháu chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, các cấp hội trên địa bàn còn phối hợp với các ngành, đoàn thể tập huấn cho hội viên và gia đình hội viên ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất…

Thông qua đó, phong trào đã được đông đảo hội viên, NCT hưởng ứng, xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, với mô hình đa dạng, phong phú, đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện có gần 4.000 hội viên NCT trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Trong đó có trên 350 người là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh; hơn 80 NCT được công nhận làm kinh tế giỏi các cấp. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, các mô hình kinh tế do NCT làm chủ còn tạo việc làm cho trên 500 lao động và có nhiều đóng góp cho ngân sách địa phương.

Có thể khẳng địn: phong trào NCT nêu gương sáng trong phát triển kinh tế ở thành phố Lạng Sơn thời gian qua đã ngày càng lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Các cụ trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo về tinh thần lao động sản xuất, dám nghĩ, dám làm, vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn: baolangson.vn