Skip to main content
Ban biên tập | 17 July 2018

          Xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) là một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm qua. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm 13% giai đoạn 2014-2016, mức giảm cao nhất trong các năm gần đây, tỷ lệ nghèo nói chung giảm xuống dưới 10% vào năm 2016 thì vẫn còn tồn tại thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là tỷ lệ tái nghèo, nghèo bền vững, hạn chế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục...còn chủ yếu tập trung ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao.

          Năm 2014, Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam  (SASSP) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc đã được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu vào năm 2020, ngoài xây dựng hệ thống thông tin quản lý và triển khai nhiều chương trình trợ giúp xã hội khác nhau, dự án còn đặc biệt coi trọng việc thiết kế chiến lược truyền thông hiệu quả cho người dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số dần dần thay đổi nhận thức, hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với gia đình và cộng đồng

          Dự án đã hợp nhất các chính sách trợ giúp xã hội hiện hành do nhiều cơ quan phụ trách và chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng tăng thêm của dự án gồm phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, trẻ em 3 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo không đi học thành gói trợ cấp hộ gia đình do một cơ quan quản lý duy nhất và được chi trả trực tiếp tới người dân thông qua đơn vị chi trả độc lập, giúp giảm áp lực về vấn đề nhân sự và công tác chi trả giảm thiểu rủi ro. Tại địa điểm chi trả, cán bộ chi trả có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích về khoản trợ cấp mà đối tượng đang được hưởng, tránh trường hợp đối tượng không hiểu rõ về khoản trợ cấp của mình dễ dẫn đến sử dụng tiền không đúng mục đích gây lãng phí.

          Đối với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, các sản phẩm truyền thông như loa đài phát thanh lưu động, phóng sự truyền hình... phát sóng rộng rãi trên đài truyền hỉnh các tỉnh dự án, được dịch ra tiếng dân tộc phù hợp với đặc điểm dân cư và địa bàn, giúp người dân dễ dàng hình dung về các chính sách cũng như mục tiêu dự án.

          Dự án còn có đội ngũ hơn 6000 cộng tác viên (CTV) thôn/bản đóng vai trò tích cực trong công tác truyền thông và hỗ trợ người hưởng lợi. Với nhiệm vụ được giao, bằng các kiến thức được trang bị qua các lần tập huấn, CTV sẽ đóng vai trò làm tuyên truyền viên, giúp người dân đang thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình, hỗ trợ người dân giải đáp những thắc mắc cũng như khuyến khích người dân đầu tư vào dinh dưỡng và giáo dục cho con cái, giúp trẻ em nghèo có nền tảng phát triển tốt để vươn lên thoát nghèo bền vững trong tương lai.

          Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, CTV tiến hành lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản; chi trả tiền trợ cấp cũng như trong các đợt tiêm chủng mở rộng thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Công tác vận động góp phần thay đổi nhận thức người 4 tỉnh dự án, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số một cách tích cực. Qua việc tuyên truyền trực tiếp cũng như gián tiếp, phụ nữ mang thai đã hiểu được tầm quan trọng của việc đi khám thai, đối với phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo đang hưởng trợ cấp từ dự án sẽ được hỗ trợ khám thai miễn phí 3 lần trong quá trình mang thai. Những gia đình nghèo đang nuôi con nhỏ không còn sử dụng những đồng tiền trợ cấp một cách bừa bãi lãng phí mà dùng nó để đầu tư vào dinh dưỡng cho con, cho con đến trường tạo lập nền tảng tốt cho tương lai.  

          Sau 3 năm triển khai (từ tháng 7 năm 2015 đến hết tháng 6 năm 2018), đã có hơn 420.000 hộ gia đình tại 4 tỉnh được hưởng lợi từ dự án. Đặc biệt, có khoảng hơn 20.000 đối tượng hưởng lợi thuộc nhóm 3 đối tượng tăng thêm đang nhận hỗ trợ từ dự án.    

Nguồn: molisa.gov.vn