Skip to main content
Ban biên tập | 21 July 2019

         Chiều ngày 21/1/2019, tại Hà Nội, Ban quản lý dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (SASSP) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019. Tham dự hội nghị có ông Đặng Kim Chung, Giám đốc Ban quản lý dự án SASSP; bà Nguyễn Việt Nga, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các Bộ, ban ngành và các đơn vị liên quan thuộc Bộ, đại diện Ban quản lý dự án 04 tỉnh Trà Vinh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Giang. Thứ trường Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Lê Tấn Dũng đã dự và chủ trì Hội nghị

anhminhhoa

Toàn cảnh Hội nghị

         Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết bên cạnh việc đánh giá kết quả công tác của dự án năm 2018, triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2019, hội nghị nhằm đánh giá lại kết quả tích hợp chi trả gói trợ cấp hộ gia đình sau thời gian thí điểm. Qua đó đánh giá lại kết quả công việc đã triển khai trong thời gian vừa qua, tìm hiểu các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy các công việc trong thời gian tới nhằm đảm bảo mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.

         Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2018, ông Đỗ Minh Hoài, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Trung ương cho biết, năm 2018, dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” đã triển khai nhiều hoạt động chính, then chốt, trực tiếp liên quan đến kết quả, mục tiêu của dự án được Chính phủ và Bộ phê duyệt.

         Trong năm 2018, Dự án đã kết thúc chi trả gói trợ giúp hợp nhất cho các hộ gia đình sau 03 năm thí điểm vào thời điểm 30/6/2018 cùng với đó là việc kết thúc Hợp đồng chi trả với Bưu điện, mạng lưới cộng tác viên thôn/ bản và tổng đài tư vấn và trợ giúp xã hội;

         Xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quản lý tích hợp cho các chính sách trợ giúp xã hội áp dụng trên phạm vi toàn quốc; Khối lượng công việc đã hoàn thành trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2018 là rất lớn, bao gồm: (1) Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp phần mềm, hệ thống thông tin quản lý; (2) Rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu qua các năm 2016, 2017 và 2018; (3) Thử nghiệm vận hành hệ thống tại 04 tỉnh dự án và từng bước mở rộng ra toàn quốc từ đầu năm  2017; (4) Trang cấp trang thiết bị công nghệ thông tin tại các cấp để vận hành hệ thống, (5) Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao cho người sử dụng tại các cấp tỉnh và huyện và (6) sắp tới Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định cụ thể đảm bảo việc tổ chức thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước trong công tác quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quản lý tích hợp cho các chính sách trợ giúp xã hội;

         Các hoạt động đánh giá kết quả thực hiện dự án đã được tiến hành theo từng nội dung công việc cụ thể, tạo căn cứ thuyết phục trình Bộ để Bộ xem xét trình Chính phủ việc tái cấu trúc dự án, phân bổ lại nguồn vốn dư của dự án, sử dụng cho mục đích đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, một trong những công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý của ngành: (1) Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý người có công trên toàn quốc; (2) Xây dựng cổng thông tin điện tử về an sinh xã hội và (3) Hoàn thiện, đối chiếu dữ liệu cho việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và mã an sinh xã hội... Hiện Bộ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát nhu cầu sử dụng vốn dư của dự án lần thứ 2.

         Ngoài ra là các hoạt động khác phục vụ cho công tác quản lý, hỗ trợ việc thực hiện thành công các mục tiêu dự án cũng đã được Ban QLDA các cấp triển khai có hiệu quả như công tác truyền thông; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp; hoạt động giám sát, đánh giá; công tác đấu thầu, quản lý tài chính, hợp đồng... theo đúng các quy định của Chính phủ Việt Nam và của Nhà Tài trợ.

         Về cơ bản các hoạt động của dự án đã được triển khai đảm bảo chất lượng và kế hoạch đã đề ra. Đáp ứng được yêu cầu của Bộ và phía Nhà tài trợ. Trong thời gian vừa qua, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định quan trọng đối với lĩnh vực trợ giúp xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành, càng chứng minh cho mục tiêu, lộ trình thực hiện dự án đang triển khai rất đúng hướng: Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn năm 2030. Trong đó, phản ánh sự ủng hộ ngày càng tăng đối với việc chi trả trợ cấp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo với phụ nữ có thai và trẻ nhỏ tuổi từ 0-3 tuổi (2/3 nhóm đối tượng tăng thêm mà dự án đang thực hiện); Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030. Một trong ba mục tiêu đến năm 2020 của Đề án là “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.”

         Trong khuôn khổ dự án, đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội. Như vậy, kết quả đạt được trong dự án chính là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội theo mục tiêu của Quyết định 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

         Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, tìm giải pháp để thực hiện tốt một số vấn đề/ nhiệm vụ trọng tâm: (1). Các hoạt động phục vụ cho việc trình Chính phủ phê duyệt tái cấu trúc dự án và phân bổ nguồn vốn dư của dự án; (2). Tổ chức tiếp nhận, vận hành tốt cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội. Các công tác cho việc chuẩn bị Lễ công bố trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới; (3). Cải thiện công tác truyền thông vận động của dự án tại các cấp; (4). Đẩy mạnh sự tham gia của lực lượng chuyên gia tư vấn/ cán bộ chuyên môn tại các cấp cơ sở, phối hợp hỗ trợ tốt cho chính quyền địa phương, cộng đồng và đối tượng hưởng lợi…Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của dự án tại các cấp; (5). Cải thiện cơ chế phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành. Đặc biệt là các đơn vị có liên quan trong Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và với một số đơn vị chức năng của các Bộ, ngành có liên quan. (6). Chuẩn bị tốt các hoạt động đánh giá tác động của dự án để có căn cứ thuyết phục trình Bộ xem xét khả năng nhân rộng các mô hình, hoạch định chính sách về lĩnh vực trợ giúp xã hội trong thời gian tiếp theo.

Nguồn: molisa.gov.vn