Skip to main content
Ban biên tập | 17 July 2018

          Thời gian gần đây, thủ đoạn của đối tượng phạm tội hành vi mua bán người sử dụng công nghệ và giả mạo là cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân để đưa những hình ảnh, nội dung làm quen và dụ dỗ nạn nhân đến khu vực biên giới, tại đây đối tượng hướng dẫn nạn nhân tự đi qua biên giới hoặc có người khác đến đón để đưa đi, sau đó khống chế, buộc nạn nhân phải thực hiện theo ý đồ của chúng.

          Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có khoảng 800.000 người đến 1.000.000 người bị mua bán. Như vậy, có khoảng 3.000 người bị mua bán trong một ngày; 125 người bị mua bán trong 01 giờ và cứ 01 phút có 02 người bị mua bán. Lợi nhuận có được từ mua bán người khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến năm 2017, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý 2.748 vụ, với 4.110 đối tượng, tội phạm mua bán người xảy ra trên cả nước. Đối tượng mua bán không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có gần 50 trường hợp là nam giới, 90% số vụ mua bán người là để đưa ra nước ngoài và tập trung ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan… và một số tường hợp ra nước ngoài qua cửa khẩu sân bay.

          Theo báo cáo, từ năm 2016- 2018, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã xác lập 27 chuyên án và thực hiện 48 kế hoạch nghiệp vụ điều tra, xác minh hoạt động của tội phạm mua bán người. Trong phối hợp với lực lượng Công an, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và Công an các nước láng giềng về điều tra truy bắt đối tượng phạm tội và giải cứu nạn nhân đã bắt giữ, xử lý 167 vụ với 125 đối tượng, tổng số nạn nhân là 430 người, trong đó, giải cứu 206 nạn nhân, tiếp nhận 110 nạn nhân và tự trở về 114 nạn nhân.

          Qua điều tra, xác minh nhiều phụ nữ, trẻ em là nạn nhân trong các vụ mua bán, tuy nhiên, nhiều vụ việc giải cứu được nạn nhân nhưng chưa xác định được đối tượng nghi vấn phạm tội. Nạn nhân của mua bán người có ở khắp các địa phương trong cả nước (tập trung tại các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung và các tỉnh Nam Bộ), nạn nhân chủ yếu bị bán sang Trung Quốc, một số ít nạn nhân bị bán sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia.... Đối tượng phạm tội lợi dụng hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế của một số phụ nữ, trẻ em để dụ dỗ, lừa gạt, sau đó mua bán ra nước ngoài. Nạn nhân bị bán ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau như bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật, bóc lột sức lao động…

          Chia sẻ kết quả đấu tranh các chuyên án, vụ án mua bán người, Thượng tá Nguyễn Văn Mận- Cục phòng, chống ma túy và tội phạm- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, một số thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội hành vi mua bán người là chúng thường đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tìm những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, kinh tế gia đình khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định để dụ dỗ, lừa gạt hẹn giúp đỡ để đưa đi tìm việc làm có thu nhập cao, công việc nhàn hạ nhưng thực chất đưa đi bán cho các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn… ở biên giới hoặc đưa qua biên giới bán cho các tụ điểm mại dâm hoặc những nơi làm việc cực nhọc mà không được trả công nhằm bóc lột sức lao động. Lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của một số phụ nữ, người dưới 16 tuổi để lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng ép bán họ cho các chủ chứa; lợi dụng tâm lý muốn có chồng hoặc hám lợi về vật chất để hứa hẹn đưa ra nước ngoài lấy chồng giàu có, nhưng thực chất là bán họ cho các tụ điểm mại dâm hoặc người nước ngoài muốn lấy làm vợ trái ý muốn của họ.

          Đối tượng phạm tội thường lập thành các đường dây, ổ nhóm cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và các đối tượng từ các tỉnh nội địa, sử dụng công nghệ thông tin (điện thoại, internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, Wechat, Viber…) để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt bằng hình thức giả vờ yêu, đưa đi thăm gia đình, “đi trải nghiệm”, dụ dỗ đi du lịch ở Trung Quốc, lao động có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài, đưa đi chơi cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đưa sang Trung quốc bán cho các chủ chứa mại dâm để khai thác, bóc lột tình dục, tổ chức các đường dây cho thuê gái vào nội địa Trung Quốc bán dâm.

          Thượng tá Nguyễn Văn Mận cho biết, thời gian gần đây, thủ đoạn của đối tượng phạm tội hành vi mua bán người sử dụng công nghệ và giả mạo là cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân để đưa những hình ảnh, nội dung làm quen và dụ dỗ nạn nhân đến khu vực biên giới, tại đây đối tượng hướng dẫn nạn nhân tự đi qua biên giới hoặc có người khác đến đón để đưa đi, sau đó khống chế, buộc nạn nhân phải thực hiện theo ý đồ của chúng. Đối tượng sử dụng điện thoại di động để chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, giao tiền, vận chuyển, giao nhận nạn nhân và đặc biệt đối tượng không trực tiếp đưa nạn nhân qua biên giới mà để nạn nhân tự xuất cảnh hoặc xuất cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở, rồi đón nạn nhân ở bên kia biên giới. Vì vậy, nhiều nạn nhân đã được cán bộ Bộ đội biên phòng tiếp nhận, giải cứu nhưng không xác định đối tượng nghi vấn, bản thân các nạn nhân cũng không biết đối tượng là ai.

          Trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người trên khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành chức năng như Công an, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ, cơ quan báo chí và chính quyền địa phương các cấp tổ chức phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung cụ thể như tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng; các hoạt động tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để kịp thời phát hiện hoạt động phạm tội, kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới, mở các đợt cao điểm, truy quét, triệt phá các tụ điểm về tệ nạn xã hội, các đường dây, tổ chức mua bán người qua biên giới.

          Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý an ninh trật tự, hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng cũng như đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, trẻ em thông qua các chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường”… Xây dựng và củng cố các địa bàn không có tệ nạn xã hội, các điểm sáng biên giới để nhân rộng ra các địa bàn khác; thường xuyên trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người, phối hợp, điều tra, truy bắt, dẫn giải bàn giao tội phạm, giải cứu, trao trả nạn nhân bị mua bán có liên quan hai bên biên giới; triển khai, thực hiện các phương án, kế hoạch, quy trình để tiếp nhận nạn nhân trở về, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng./.

Nguồn: tiengchuong.vn