Skip to main content
Ban biên tập | 17 July 2018

          Tại các địa phương, hiện đã và đang duy trì một số mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về có hiệu quả, giúp nhiều người hòa nhập cộng đồng một cách bền vững. 

          Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Bạc Liêu duy trì thực hiện mô hình Phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại 05 đơn vị xã, phường, thị trấn gồm xã Hưng Hội huyện Vĩnh Lợi; xã Vĩnh Trạch Đông thành phố Bạc Liêu; xã Long Điền Đông và thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải; phường Hộ Phòng thị xã Giá Rai. Trong đó 02 đơn vị (thị trấn Gành Hào, phường Hộ Phòng) thực hiện mô hình "Phòng, chống tệ nạn xã hội" (gồm cả phòng, chống ma túy, mại dâm). Hàng năm tùy theo hoạt động của mô hình mà đầu tư kinh phí từ 10-25 triệu đồng/đơn vị thí điểm. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Trung ương và địa phương. Tại mỗi đơn vị thực hiện mô hình đều đã hình thành được tổ chức bộ máy (chủ yếu là kiêm nhiệm), huy động được nhiều nguồn lực (các ngành, đoàn thể xã, phường, thị trấn và nạn nhân vươn lên trong cuộc sống) tham gia thực hiện. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành quy chế hoạt động và hàng năm xây dựng Kế hoạch công tác theo sự hướng dẫn của tỉnh. Mô hình phát huy hiệu quả trong việc huy động đội ngũ đảng viên, cán bộ ở cơ sở tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người.

          Thành lập và triển khai từ năm 2011 tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, được sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của các Tổ chức quốc tế, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thành lập được 3 nhóm tự lực (TP. Huế 01 nhóm/10 thành viên nữ và huyện A Lưới có 2 nhóm với 11 thành viên); tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình “Nhóm tự lực” cho nạn nhân bị mua bán tại 7 huyện, thành phố (Tân Yên, Hiệp Hoà, Yên Dũng, Việt Yên, Yên Thế, Sơn Động, Thành phố Bắc Giang); tỉnh Tây Ninh thành lập 04 nhóm tự lực tại 04 huyện Hòa Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Tân Biên.

          Đến nay, dự án kết thúc, một số tỉnh vẫn duy trì hoạt động theo bố trí kinh phí của địa phương như mô hình Nhóm tự lực hỗ trợ nạn nhân ở cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay duy trì và sinh hoạt 01 quý/ 01 lần. Hoạt động của mô hình là sinh hoạt nhóm, tại các buổi sinh hoạt nhóm, các nạn nhân được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, sức khỏe, kỹ năng sống, thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo đồng thời các chị em trao đổi, học hỏi và chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, sản xuất.

          Các hoạt động chính của mô hình gồm hỗ trợ vốn cho nhóm tự lực; tư vấn và khám sức khỏe; tuyên truyền bằng nhiều hình thức về phòng, chống mua bán người ở các địa phương; nâng cao năng lực cho thành viên nhóm; tổ chức hội thảo, đối thoại chính sách đánh giá, chia sẻ và thảo luận về những cải thiện trong công tác hỗ trợ nạn nhân.

          Mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS được Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng, đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố lựa chọn tổ chức triển khai thực hiện tại địa bàn huyện Kiến Thụy, huyện Thủy Nguyên nhằm phòng ngừa và tiến đến đẩy lùi tệ nạn mại dâm, phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, mô hình đang được triển khai hoạt động với tên gọi là "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng". Các thành viên tham gia mô hình ban đầu là một số nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm, người có nguy cơ cao bị mua bán. Hoạt động của mô hình là sinh hoạt nhóm, quy chế sinh hoạt 1 tháng 1 lần với các nội dung sinh hoạt thiết thực, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của thành viên tham gia mô hình. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên được nâng cao kiến thức về Luật phòng, chống mua bán người, Luật hôn nhân gia đình, cách xây dựng một gia đình hạnh phúc, tìm hiểu các chính sách nhà nước, địa phương về hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về, cách tư vấn cho các nữ thanh niên biết cách phòng tránh bị mua bán người.

          Thông qua các hoạt động của mô hình, nhiều phụ nữ, trẻ em gái có nguy cơ cao bị buôn bán được nâng cao nhận thức, phòng ngừa tệ nạn mại dâm, giúp cho người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, trợ giúp pháp lý, học nghề, giới thiệu việc làm để chuyển đổi nghề nghiệp, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

          Mô hình Nhà Nhân Ái là một trong những mô hình hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về, được thành lập từ tháng 4/2010 trên địa bàn tỉnh Lào Cai do tổ chức Pacificlink- một tổ chức NGO của Mỹ tài trợ. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận khoản viện trợ trên 3 tỷ đồng để xây dựng Nhà Nhân Ái, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp đất đối ứng. Nhà Nhân Ái có 1 phòng sinh hoạt chung, 1 phòng thư viện, 1 phòng tư vấn, 3 phòng ở có vệ sinh khép kín với công suất tiếp nhận 30 người/đợt, bếp ăn, nhà để xe và sân thể thao. Hoạt động chính của mô hình gồm cung cấp gói hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về tại Nhà Nhân Ái bao gồm hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, đi lại...), hỗ trợ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn nghề, hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu và khả năng của từng cá nhân, giúp trợ giúp pháp lý, làm chứng minh thư, hỗ trợ tiết kiệm có định hướng... ; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại Trung tâm Công tác xã hội, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội và Nhà Nhân Ái Lào Cai; truyền thông phòng, chống mua bán người tại các phiên chợ vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận tại các Đồn Biên phòng, Trung tâm công tác xã hội tỉnh và Nhà Nhân Ái; hỗ trợ khen thưởng cho người có công tố giác tội phạm mua bán người, giải cứu thành công nạn nhân của mua bán người (1 triệu đồng/vụ).

          Đến nay, Nhà Nhân Ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 177 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình cộng đồng an toàn; nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học, góp phần tuyên truyền kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán  người tại các xã vùng cao và các điểm trường học.

          Nhà Nhân Ái đã và đang tiếp nhận, hỗ trợ tất cả các nận nhân bị mua bán trở về trên phạm vi cả nước./.

Nguồn: tiengchuong.vn