Skip to main content
Ban biên tập | 9 July 2019

         Theo thông tin tại cuộc họp Ban Điều phối chung Dự án tăng cường hoạt động Đường dây nóng về tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người tại Việt Nam, tổ chức đầu tháng 7⁄2019: có đến 87,7% người dân được phỏng vấn trả lời là chưa từng nghe đến Đường dây nóng phòng, chống mua bán người, chỉ có 37 người (chiếm 12,3%) nói là đã từng nghe...

         Còn rất ít người biết đến số điện thoại 111

         Theo thống kê, trong  6 tháng đầu năm 2019, Đường dây nóng phòng, chống mua bán người (PCMBN) -  Tổng đài số 111, đã tiếp nhận 764 cuộc gọi, giảm 485 cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 607 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người; 141 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân; 16 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người (Trong đó, có 3 trường hợp chuyển tuyến sang các tổ chức phi chính phủ, 2 trường hợp chuyển tuyến sang Công an; 11 trường hợp chuyển tuyến đến cán bộ thuộc ngành Lao động-TBXH). Nội dung các ca chuyển tuyến liên quan đến giải cứu nạn nhân; thông báo, tìm kiếm người mất tích và can thiệp hỗ trợ nạn nhân trở về.

         Tại cuộc họp, bà Masako Iwashina - Cố vấn trưởng Dự án tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam cho biết, kết quả phỏng vấn 300 người dân được lựa chọn có chủ đích tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh và Tây Ninh về mức độ nhận thức về Đường dây PCMBN và mức độ nhận thức về nạn mua bán người, ý tưởng về các hoạt động quảng bá hình ảnh, kết quả cho thấy: 87,7% người dân được phỏng vấn trả lời chưa từng nghe đến Đường dây nóng PCMBN, chỉ có 37 người (12,3%) nói là đã từng nghe. Cao Bằng là tỉnh có tỉ lệ người dân biết đến Đường dây nóng nhiều nhất (23%); Hà Tĩnh là 11% và Tây Ninh là tỉnh có tỉ lệ biết thấp nhất (3%).

         Kết quả khảo sát cũng cho thấy, số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi phía Bắc, chiếm tỉ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng. Thứ hai là các tỉnh đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 22,3%. Tiếp đến là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với 16,4%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 15,7%; khu vực Nam Trung bộ 6,8%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng chỉ chiếm 5,9% và 1 cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0,1% .

         Nội dung cuộc gọi đến Đường dây nóng chiếm phần lớn là cuộc gọi cung cấp thông tin về chức năng hoạt động nhiệm vụ của đường dây nóng. Bên cạnh đó, các cuộc gọi cung cấp thông tin về tình hình buôn bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư tự do, xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm việc làm.

         Bên cạnh đó, Đường dây nóng cũng đã tiếp nhận những cuộc gọi tư vấn liên quan đến vấn đề PCMBN. Trong đó, nội dung tư vấn chủ yếu tập trung vào các vấn đề xung quanh việc  PCMBN, tư vấn tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình…

         Theo đánh giá chung, người dân biết tới Đường dây nóng (111) chủ yếu qua các hình thức truyền thông đại chúng (tivi, báo, đài...), mạng xã hội, nhân viên nhà nước và truyền thông tại xã/thôn/bản, bạn bè và họ hàng, truyền thông tại trường học, tờ tơi, áp phích về PCMBN. Bên cạnh đó, 42% người được phỏng vấn trả lời “Không biết” về các rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra đối với người di cư, tìm kiếm việc làm hoặc kết hôn.

Cán bộ Nhà nhân ái, Lào Cai đến thăm gia đình nạn nhân bị mua bán trở về

         Nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông theo hướng chuyên nghiệp

         Việt Nam nằm trong khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê - Kông, là một trong những điểm nóng về tình trạng mua bán người. Chỉ tính từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 868 vụ, với 1.140 đối tượng, lừa bán 2.355 nạn nhân, tăng 2.200 người so với giai đoạn 2011-2015 (tăng 7%).

         Trong bối cảnh đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ phái cử chuyên gia cố vấn về hoạt động PCMBN và triển khai Dự án Thiết lập đường dây nóng PCMBN tại Việt Nam, giai đoạn I từ năm 2012-2016, giai đoạn II từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021, với mục tiêu: tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111) và mở rộng thêm chức năng PCMBN nhằm đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác PCMBN cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về. 

         Bà Ayumi Yuasa, Trưởng phòng Phòng Bình đẳng giới và giảm nghèo - Vụ cơ sở hạ tầng và Xây dựng hòa bình (JICA) cho biết: nạn nhân buôn bán người nay đã thay đổi, nạn nhân bị cưỡng bức lao động và nam giới có chiều hướng gia tăng nhưng nạn nhân là phụ nữ và trẻ em vẫn chiếm tỷ lệ cao (hơn 70%). Vì thế, JICA tập trung  hỗ trợ trẻ em, phụ nữ, đồng thời, mở rộng hỗ trợ đối với cả nam giới.

         Theo ông Nguyễn Công Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em), từ kết quả khảo sát đầu kỳ cho thấy, đây là những thông tin rất hữu ích để hướng đến truyền thông trên các kênh, phương tiện nào cho hiệu quả. Mặc dù truyền thông trên các trang mạng xã hội có thể đem lại hiệu quả cao nhưng phải hay, cuốn hút, hiệu quả cao và đòi hỏi cần sự đầu tư lớn. Bên cạnh đó, một số kết quả hữu ích khác cũng được đưa ra tại cuộc họp, đó là: có 91% người được phỏng vấn sử dụng điện thoại di động, trong đó có 57,7% đang sử dụng điện thoại thông minh để tham gia vào các trang mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, YouTube, Zalo... Thời gian thích hợp để tổ chức các hoạt động truyền thông nên tập trung vào “Tháng cao điểm PCMBN” từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm…

         Đồng thời, các khuyến nghị các hoạt động cho Dự án trong thời gian tới, gồm: (1) Tăng cường các điều kiện vận hành cho Đường dây nóng; (2) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cán bộ; (3) Tăng cường hệ thống chuyển tuyến của Đường dây nóng; (4) Tăng cường các hoạt động truyền thông về Đường dây nóng theo hướng hiệu quả và chuyên nghiệp; (5) Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người qua Đường dây nóng.

         Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam, trong tháng 5/2019, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động của toàn xã hội về PCMBN, góp phần ngăn chặn tình trạng gia tăng tội phạm mua bán người.

         Theo đó, điểm nhấn trong Hoạt động “Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7, tại tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung vào chuỗi các hoạt động: Tổ chức hội thảo chuyên đề về bàn giải pháp PCMBN sang Trung Quốc (hiện có 80% nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc); Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người; Tổ chức chiến dịch truyền thông hướng đến cộng đồng về PCMBN tại huyện Cao Lộc.

         Còn đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân tại cộng đồng. Hội LHPN Việt Nam cũng đã đề xuất hoạt động truyền thông tại 2 tỉnh Nghệ An và Tây Ninh (hai địa bàn nóng về mua bán người) với 3 hoạt động truyền thông trong năm 2019. Ngoài ra, Hội còn xây dựng phim về PCMBN, trong đó, lồng ghép truyền thông ý nghĩa của Đường dây nóng 111. Phim sẽ tiếp cận các địa bàn trong dự án “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Đối tượng chủ yếu tập trung vào phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và nâng cao nhận thức cho các đối tượng phụ nữ vùng biên giới./.

Nguồn: pctnxh.molisa.gov.vn