Skip to main content
Ban biên tập | 18 July 2019

          Đến tháng 6/2019, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Bình Gia đã xây dựng, sửa chữa, bổ sung 12/20 điểm vui chơi cho thiếu nhi. Tuy đã được tích cực thực hiện song hoạt động này gặp phải không ít khó khăn dẫn đến chất lượng công trình còn hạn chế.


Thiết bị tại điểm vui chơi chủ yếu được làm từ tre nứa nên độ bền không cao

          Theo kế hoạch năm 2019, các cấp bộ đoàn huyện Bình Gia đăng ký xây dựng 20 điểm vui chơi cho thiếu nhi. Tuy nhiên, có đến 17 điểm phải triển khai tại trường tiểu học của các xã, chỉ có 3 điểm tại nhà văn hóa thôn.

          Chị Vi Thị Yến Quỳnh, Phó Bí thư Huyện đoàn Bình Gia cho biết: Đúng ra, sân chơi cho thiếu nhi phải được xây dựng tại không gian sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư để thiếu nhi có thể vui chơi bất cứ lúc nào. Thế nhưng hiện nay, chúng tôi chưa thực hiện được. Nguyên nhân là hầu hết các xã không bố trí được quỹ đất để xây dựng điểm vui chơi cho thiếu nhi.

          Những khu vực tập trung đông dân cư thích hợp để xây dựng điểm vui chơi thì không có quỹ đất. Một số khu vực có quỹ đất thì dân cư thưa thớt không thuận tiện cho việc vui chơi.

          Khắc phục khó khăn này, Huyện đoàn Bình Gia phối hợp với các trường học bố trí thiết bị vui chơi trong sân trường. Việc kết hợp điểm vui chơi tại trường tạo điều kiện cho thiếu nhi trên địa bàn vui chơi sau giờ học, có người quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, giải pháp này lại bộc lộ nhiều hạn chế như: chỉ bố trí được một số thiết bị chiếm ít diện tích, việc tổ chức sân chơi lớn như: sân bóng, sân cầu lông, bóng chuyền là không thể. Cùng với đó, các em thiếu nhi chỉ có thể vui chơi trước hoặc sau giờ học, dịp hè, các em ít có cơ hội đến chơi. Cùng với đó, việc mở cửa điểm vui chơi này cũng phụ thuộc vào nhân viên bảo vệ tại trường. Nếu bảo vệ mở cửa, các em mới có thể vui chơi. Trong khi đó, trong dịp hè các em rất cần có những sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích.

          Bên cạnh đó, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn đối với công tác này không nhiều, kinh phí chủ yếu do thanh niên đóng góp và huy động từ các tổ chức thiện nguyện. Với nguồn kinh phí hạn chế, thiết bị vui chơi tại các xã chủ yếu làm từ nguyên liệu tái chế, sẵn có tại địa phương: như lốp xe đã qua sử dụng, dây thừng, tre, gỗ… Những nguyên liệu này đã được đoàn viên thanh niên sáng tạo ra những thiết bị vui chơi như: nhà chòi, cầu tre, xích đu, bập bênh… thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, dưới tác động của môi trường như: mưa, nắng, gió bão  nên độ bền những thiết bị này không cao. Nếu không thường xuyên kiểm tra, sửa chữa có thể gây nguy hiểm, thương tích cho các em thiếu nhi trong quá trình vui chơi.

          Xây dựng các điểm vui chơi cho thiếu nhi là nội dung được các cấp bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai trong năm 2019. Đây cũng là nhu cầu chính đáng của các em thiếu nhi trên địa bàn huyện. Thiết nghĩ, để thiếu nhi có sân chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn, các cấp chính quyền huyện Bình Gia cũng như người dân trên địa bàn huyện cần quan tâm bố trí quỹ đất… để xây dựng những điểm sinh hoạt cộng đồng. Như vậy, không chỉ tạo chỗ vui chơi, rèn luyện thể thao cho thiếu nhi mà còn cả thanh niên, người cao tuổi.

Nguồn: baolangson.vn