Skip to main content
Ban biên tập | 18 February 2019

Thời gian qua, tình trạng tội phạm mua bán người ở Sơn La có chiều hướng gia tăng, nghiêm trọng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. 

Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, địa hình phức tạp, Sơn La có 106/204 xã thuộc diên đặc biệt khó khăn, khoảng cách giữa các trung tâm hành chính của tỉnh đến huyện và xã xa. Toàn tỉnh có 17 xã vùng biên với 305 bản, trong đó có 65 bản giáp biên giới. 

  Đời sống người dân, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới, vùng cao còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế. 

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Sơn La, thời gian qua, tình trạng tội phạm mua bán người ở Sơn La có chiều hướng gia tăng, nghiêm trọng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa bán phụ nữ qua biên giới làm vợ, đẻ thuê hoặc bán cho nhà hàng, ép hoạt động mại dâm...

Chỉ tính riêng năm 2018, tỉnh Sơn La có 33 nạn nhân bị mua bán đã được giải cứu, trở về. Các nạn nhân đều là phụ nữ và trẻ em với độ tuổi từ 14-33, trong đó nạn nhân là người dân tộc Mông chiếm tới 96%. Các nạn nhân này đã được bố trí nơi lưu trú và hỗ trợ ăn, quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết, được hỗ trợ tâm lý và được hỗ trợ trở về với gia đình. Sở LĐTB&XH thường xuyên phối hợp với cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh kịp thời thông tin nắm bắt tình hình, danh sách nạn nhân, đề nghị UBND các huyện, thành phố có nạn nhân trở về chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện phối hợp với UBND cấp xã nơi có nạn nhân cư trú xem xét, xác minh làm thủ tục hỗ trợ nạn nhân về theo quy định. 

Tuy nhiên công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do một số nạn nhân khi được giải cứu, được trao trả hoặc tự trở về địa phương không khai báo hoặc không hợp tác với cơ quan điều tra, có trường hợp lại tiếp tục bỏ đi khỏi địa phương.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Sơn La, kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đầu tiên là tăng cường công tác phối hợp trong quản lý địa bàn, nâng cao vai trò của chính quyền, đoàn thể và người có uy tín tại cộng đồng

  Quản lý chặt chẽ địa bàn, làm tốt công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý cư dân. Tăng cường công tác bám, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện các hoạt động lôi kéo đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới lao động. Chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, nhằm hạn chế tình trạng phụ nữ, trẻ em gái phải nghỉ học lao động sớm, bị bạo lực gia đình... nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn để nhân dân nắm được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, hậu quả tác hại của nạn mua bán người nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bị lừa gạt trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm bảo đảm cán bộ xã, phường, thị trấn làm công tác phòng chống mua bán người nắm vững được các quy định của phát luật về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về địa chỉ Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 18001567 và 111 trên các phương tiện truyền thông đại chúng tới mọi người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, tạo việc làm tại chỗ ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng và khả thi nhất, vừa phù hợp với phong tục, tập quán và trình độ lao động của người dân trên địa bàn tỉnh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất việc các đối tượng tội phạm sử dụng thủ đoạn đưa đi làm việc để dụ dỗ, lừa đảo người lao động, biến họ thành nạn nhân mua bán người. Để thực hiện vấn đề này, cần tập trung quản lý, theo dõi, nắm tư tưởng, công việc và điều kiện sinh sống, làm việc của hộ gia đình có người lao động. Triển khai nhân rộng mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả, chú trọng công tác khuyến nông, khuyến lâm. Hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để thâm canh tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Vận động doanh nghiệp hoặc thành lập hợp tác xã để giúp nhân dân trong việc cung ứng giống, phân bón, sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Về hỗ trợ nạn nhân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về chính sách hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về. Chú trọng tuyên truyền chống sự kỳ thị xa lánh đối với nạn nhân, giúp đỡ nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Động viên nạn nhân và gia đình có người thân bị mua bán tham gia làm tuyên truyền viên phòng ngừa mua bán người tại cộng đồng với tinh thấn người thật việc thật, mang lại hiệu qua tuyên truyền, thuyết phục cao hơn.

Đa dạng hóa các hình thức, loại hình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu học nghề, đặc biệt là lao động nông thôn và lao động là những nạn nhân bị mua bán trở về hướng tới phổ cập nghề cho người lao động. Thống kê, cập nhật danh sách và lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, xác định trình độ, xác định nhu cầu, ưu tiên tuyển dụng nạn nhân bị mua bán đã qua đào tạo nghề đang cư trú tại địa phương vào làm việc.

Thực hiện lồng ghép các chính sách đào tạo nghề với việc đào tạo nghề cho nạn nhân bị mua bán trở về như thực hiện Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” của Thủ tướng Chính phủ; Đào tạo nghề cho lao động của doanh nhiệp theo Nghị quyết số 133/NQ-HĐND ngày 22/3/2016 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ưu tiên, tạo điều kiện cho các nạn nhân được vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, hỗ trợ nạn nhân tổ chức sản xuất tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Về cơ chế, chính sách và nguồn lực lao động, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đa dạng hóa, thực hiện đồng bộ các giải pháp, xã hội hóa trong công tác dạy nghề, tạo việc làm, quản lý lao động và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về dựa vào cộng đồng; huy động nguồn lực tại chỗ để tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, ổn định cuộc sống hạn chế rủi ro trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người; lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với việc thực hiện các đề án, các chương trình kinh tế-xã hội khác như phòng, chống tệ nạn xã hội; dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo, việc làm...

Vận dụng các chính sách hỗ trợ, các dự án phát triển kinh tế để hỗ trợ hộ dân thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phù hợp với thực tiễn đất sản xuất, lao động của mỗi hộ gia đình. Triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ vay vốn đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; người bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; chính sách hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động và đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Ngoài ra, có cơ chế đặc biệt ưu đãi đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn huyện biên giới nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: tiengchuong.vn