Skip to main content
Ban biên tập | 13 February 2019

          Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tính đến nay, chính sách BHXH của Việt Nam đã đạt những tiến bộ đáng ghi nhận đó là hệ thống chính sách an sinh xã hội được thiết kế tương đối toàn diện ở nhiều mức độ giải quyết rủi ro khác nhau, bao gồm các nhóm chính sách: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro phù hợp với điều kiện Việt Nam, xu hướng tiến bộ của thế giới.

          Thành tựu đạt được

          Hệ thống chính sách đang có bao gồm: bảo hiểm hưu trí - tử tuất, bảo hiểm ốm đau, thai sản; BHTN; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các chính sách BHXH chuyển dần từ tính chất tự nguyện sang chính sách bắt buộc và đang trong lộ trình tiến tới BHXH toàn dân do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức với sự tham gia rộng rãi của người dân. Hệ thống chính sách này thiết kế cho các đối tượng khác nhau tham gia và quan trọng hơn đó là có sự chia sẻ giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động ở các mức độ khác nhau, tính chất chia sẻ này góp phần quan trọng để thay đổi tích cực hơn nhận thức của người dân, giảm bớt sự ỷ lại vào Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tăng tính bền vững cho chính sách. Quỹ BHXH đang trở thành quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất, có sự bảo hộ của Nhà nước với sự tham gia của hàng chục triệu người để bảo đảm an sinh cho người dân trong hiện tại cũng như tương lai khi đến tuổi già.

          Tính đến hết 31/12/2017 tổng số kết dư quỹ BHXH ước đạt 540.004 tỷ đồng, trong đó: Quỹ ốm đau, thai sản: Số chi bằng 97,61% số thu và kết dư 14.688 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Số chi bằng 10,87% số thu và kết dư 36.885 tỷ đồng; Quỹ hưu trí và tử tuất: Số chi bằng 57,19% số thu và kết dư 488.431 tỷ đồng. Tổng số kết dư quỹ BHTN: Số chi bằng 47,96% số thu và kết dư 67.320 tỷ đồng. Tổng số dư nợ đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHYT lũy kế đến cuối năm ước đạt 609.069,3 tỷ đồng. Các hình thức đầu tư chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiền, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng, hoạt động lành mạnh theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ năm 2017 ước 37.500 tỷ đồng. Như vậy, về cơ bản việc cân đối thu, chi và đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH và BHTN được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

          Bên cạnh đó, tính chất công bằng trong hệ thống chính sách BHXH được thể hiện thông qua nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ. Quỹ Bảo hiểm hưu trí - tử tuất với mô hình tích lũy đang là quỹ dài hạn có tính chất chia sẻ giữa các thế hệ người lao động, các quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp) có tính chất chia sẻ giữa người lao động trong cùng một thế hệ.

          Đồng thời, mạng lưới tổ chức thực hiện rộng khắp trong cả nước đến tận cơ sở nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách cho người dân. Ngành BHXH đã hoàn thành việc cấp mã số BHXH và thẻ BHYT theo mã số BHXH cho gần 90 triệu người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó đã đồng bộ được dữ liệu thông tin cho trên 66,6 triệu bản ghi dữ liệu người tham gia BHYT và hoàn thành việc cấp 16,6 triệu thẻ BHYT theo mã số BHXH. Bàn giao 99,7% sổ BHXH đến tay người lao động.

          Vẫn còn thách thức

          Chính sách BHXH cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đó là độ bao phủ còn rất thấp, chưa đạt được mục tiêu và chất lượng an sinh xã hội còn hạn chế. Nhiều mục tiêu trong Nghị quyết số 21-NQ/TW không đạt được. Cụ thể, ước tính đến 31/12/2018 thì tỷ lệ tham gia mới đạt được gần 30,2% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn khoảng 69,8% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH; BHTN mới đạt gần 25,9% lực lượng lao động tham gia.

          Khu vực chính thức cũng chưa đạt được độ bao phủ 100%, khu vực phi chính thức dù đã có chính sách (Luật BHXH năm 2014) nhưng đến nay chưa thể bố trí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, không có bước tiến triển khả quan về số lượng người tham gia. Đồng thời, chất lượng an sinh cũng là vấn đề cần quan tâm, mức lương hưu thấp không thể khuyến khích người lao động thay đổi nhận thức tự bảo đảm an sinh cho cuộc sống trong tương lai của mình khi về già, đồng thời dẫn đến việc lương hưu chưa thể độc lập với lương của người đang làm việc dù 2 hệ thống này hoàn toàn khác nhau về tính chất.

          Bên cạnh đó, các vấn đề bình đẳng theo nguyên tắc đóng - hưởng giữa khu vực công và khu vực tư, sàn lương hưu tối thiểu, Quỹ Bảo hiểm hưu trí đang giảm dần khả năng tích lũy và đứng trước nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, số người hưởng lương hưu ngày càng tăng cùng với tốc độ già hóa dân số... Tất cả những thách thức này đòi hỏi phải có bước đột phá, cải cách đối với chính sách BHXH để tiếp tục thúc đẩy hệ thống chính sách an sinh xã hội phát triển theo hướng bền vững hơn, bảo đảm an sinh thực sự cho hàng chục triệu người lao động trong hiện tại cũng như tương lai, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước về lâu dài trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

          Giải pháp thực hiện

          Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị lần thứ 07 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về cải cách chính sách BHXH, với mục tiêu theo lộ trình 2021, 2025 và dự kiến đến 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó lao động khu vực phi chính thức khoảng 5%; 45% số người lao động tham gia BHTN, 60% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội.

          Nội dung cải cách chính sách BHXH Việt Nam tập trung vào những vấn đề cốt lõi sau:

          Một là, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; tầng 1 do Nhà nước chịu trách nhiệm là chính sách trợ cấp hưu trí xã hội người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng, có khó khăn trong cuộc sống; tầng 2 do Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động tham gia là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện chuyển dần sang BHXH bắt buộc hướng tới BHXH toàn dân; tầng 3 do người sử dụng lao động và người lao động tham gia là bảo hiểm hưu trí bổ sung, mang tính chất tự nguyện, tạo điều kiện cho người lao động thu nhập cao hơn tham gia.

          Hai là, điều kiện thời gian tham gia BHXH linh hoạt hơn, lương hưu được tính dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ và bền vững.

          Ba là, liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thiết kế nhiều gói BHXH tự nguyện để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp và chuyển sang bảo hiểm bắt buộc khi có đủ điều kiện.

          Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH gắn với củng cố niềm tin và tăng mức độ hài lòng của người tham gia.

          Năm là, đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức phù hợp với Nghị quyết số 10-NQ/TW (năm 2017) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, khắc phục những bất hợp lý trong chế độ bảo hiểm hưu trí, BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; sửa đổi mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để có thể đạt mức hưởng lương hưu tối đa; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, điều chỉnh lương hưu theo nguyên tắc chia sẻ để thu hẹp khoảng cách đối với nhóm hưởng lương hưu quá thấp.

          Để bảo đảm tính khả thi của mục tiêu và nội dung cải cách chính sách BHXH, những nhiệm vụ, giải pháp cần phải tập trung chỉ đạo, đó là:

          Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH.

          Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH và thực thi chính sách BHXH. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về BHXH. Xây dựng cơ sở dữ liệu về BHXH, bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH.

          Thứ ba, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội... trong việc thực hiện chính sách BHXH.

          Để cải cách chính sách BHXH thành công, đạt được hiệu quả mong muốn đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, của tổ chức BHXH Việt Nam đến sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động. Công cuộc cải cách BHXH còn đòi hỏi phải nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tốt hơn các chính sách an sinh, thấy được lợi ích thực sự của chính sách BHXH đối với cuộc sống của mình, của gia đình mình và tự nguyện tham gia vào quá trình cải cách. Tỷ lệ người dân tham gia hệ thống chính sách BHXH ở mức độ nào sẽ là câu trả lời rõ ràng cho sự thành công của công cuộc cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam./.

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn