Skip to main content
Ban biên tập | 13 February 2019

          Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH; sửa đổi, bổ sung một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được quy định chi tiết; mức chi quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2019–2021... là các chính sách An sinh xã hội có hiệu lực từ tháng 02/2019.

          Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH

          Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2019, Thông tư số 35/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nội dung về điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH. Theo đó, từ ngày 01/01/2019, tiền lương tháng và thu nhập tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh như sau:

          - Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019:

          Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.

          Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019:

          Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm  x  Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.

          Sửa đổi, bổ sung một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

          Có hiệu lực thi hành từ ngày 21/02/2019, Thông tư số 02/2019/TT-BLĐTBXH ngày 08/01/2019 có nội dung về Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/07/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, “nơi bị tù thuộc Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến ban hành kèm theo Thông tư này để xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày”. Đồng thời, Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến tại Thông tư này thay thế Phụ lục I - Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến ban hành kèm theo Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/07/2014.

          Hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được quy định chi tiết

          Thông tư số 31/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018, hiệu lực từ ngày 11/02/2019, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định chi tiết hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư là người sử dụng lao động, người lao động theo quy định tại Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động; người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; doanh nghiệp tự tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định khoản 7 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức huấn luyện thành lập Hội đồng sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ huấn luyện và cấp giấy chứng nhận đối với người huấn luyện phải có ít nhất 03 thành viên, là những người đảm bảo tiêu chuẩn về người huấn luyện, am hiểu về pháp luật, nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; trong đó phải có ít nhất 01 đại diện của Cục An toàn lao động tham gia. Nội dung sát hạch gồm sát hạch phần lý thuyết (học viên làm bài tập trung trong 90 phút); sát hạch phần kỹ năng (học viên lựa chọn 01 chuyên đề), tự chuẩn bị bài giảng theo chương trình khung quy định và trình bày trước hội đồng sát hạch trong thời gian không quá 20 phút/học viên.

          Mức chi quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2019-2021

          Ngày 25/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg Quy định về chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2019 - 2021. Mức chi phí quản lý BHXH năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH. Mức chi phí quản lý BHTN năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHTN) được trích từ Quỹ BHTN. Mức chi phí quản lý BHYT năm 2019 bằng 4,6%, năm 2020 bằng 4,2% và năm 2021 bằng 3,8% dự toán thu tiền đóng BHYT được trích từ số tiền thu BHYT nhưng tối đa không vượt quá mức quy định của Luật BHYT. Trường hợp thực hiện thu, chi BHXH, BHTN trong năm không đạt dự toán hoặc lớn hơn dự toán, thì mức chi phí quản lý theo tỷ lệ quy định nêu trên tính trên số thực thu, thực chi; trường hợp thực hiện thu tiền đóng BHYT trong năm không đạt dự toán hoặc lớn hơn dự toán, thì mức chi phí quản lý theo tỷ lệ quy định nêu trên tính trên số thực thu.

          Phải lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em

          Thông tư số 36/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2019, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nội dung Hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em. Theo đó, có 05 nguyên tắc lấy ý kiến của trẻ em sơ lược là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em; cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em. Tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến, bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích. Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em. Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

          Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng

          Theo Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2019, về hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ: Áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/04/2019, doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng; doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp, nếu không tự xây dựng được thì sử dụng biểu mẫu và phương thức ghi chép tại Thông tư; doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập.

          Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được áp dụng

          Tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2019, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có một số điểm đáng chú ý về chương trình giáo dục phổ thông mới như có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học. Ví dụ, cấp tiểu học có môn học mới là Tin học và Công nghệ; với cấp trung học cơ sở, Tin học trở thành môn học bắt buộc, các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới; cấp trung học phổ thông, học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên ( Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

          Thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên thay đổi

          Thông tư số 31/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 08/02/2019, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập quy định về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm cơ sở giáo dục mầm non công lập, cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập, trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng công lập có nhóm ngành đào tạo giáo viên, trường đại học công lập, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị Đại học hạng III phải tập sự 12 tháng; giáo viên trung học cơ sở hạng III phải tập sự 09 tháng; giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải tập sự 06 tháng.

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn