Skip to main content

Lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp cho trẻ khuyết tật

           Giáo dục đối với người khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo cho người khuyết tật có quyền học tập. Tuy nhiên, mỗi người tiếp nhận một phương thức giao dục khác nhau đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa. Đặc biệt đối với người khuyết tật, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp vào khả năng nhận thức, tiếp thu và hiệu quả của giáo dục.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

          Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn, do đó, cần có những phương thức giáo dục phù hợp với họ.

          Bởi vậy, giáo dục với người người khuyết tật đặc biệt quan trọng, được hiểu là những hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của người khuyết tật giúp họ có được kiến thức, tri thức, phẩm chất, đạo đức đồng thời hình thành và phát triển nhân cách toàn diện.

          Giáo dục sẽ giúp người khuyết tật có được những tri thức, kiến thức, sự hiểu biết về tự nhiên, về xã hội và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Đối với từng dạng tật cụ thể, giáo dục còn giúp cho người khuyết tật có thể phục hồi chức năng, phát triển về trí tuệ, phát triển về nhận thức, hành vi,… Qua đó, người khuyết tật sẽ tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống, mang lại cho họ những nhận thức mới mẻ và đúng đắn để vượt qua mọi rào cản, khó khăn của cuộc sống, khẳng định năng lực bản thân.

          Giáo dục cũng giúp cho người khuyết tật có được những kiến thức cơ bản và nó sẽ trở thành nền tảng cần thiết và quan trọng để họ có thể tham gia học nghề và tìm kiếm việc làm. Có nhiều người khuyết tật vận động nhưng đã say mê tìm tòi và học tập, nhờ những kiến thức tích lũy được mà họ có thể tìm kiếm việc làm và tự nuôi sống bản thân mình, không cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội.

          Mặt khác, nhìn theo phương diện xã hội, giáo dục giúp người khuyết tật tái hòa nhập vào cộng đồng. Trong môi trường học tập, người khuyết tật sẽ có điều kiện để giao tiếp với thầy cô cũng như bạn bè và những người khác. Đây môi trường tốt nhất và nhanh nhất để người khuyết tật phát triển nhận thức và trí tuệ của mình. Để họ cảm thấy luôn được quan tâm, hòa đồng, không bị phân biệt đối xử hay xa lánh.

          Bởi người khuyết tật bị suy giảm một hoặc nhiều chức năng biểu hiện dưới dạng tật khác nhau nên việc tiếp thu giáo dục cũng khác nhau. Lựa chọn phương thức giáo dục không phù hợp không những không đạt hiệu quả giáo dục mà còn bị phản tác dụng, sẽ sinh ra những phản kháng từ nhẹ đến gay găt đến nhận thức, hành vi của người khuyết tật. Vậy nên việc lựa chọn phương thức giáo dục nào cho từng người là cần thiết, đảm bảo có hiệu quả và không bị tác động ngược.

          Hiện nay, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định 03 phương thức giáo dục đối với người khuyết tật gồm phương pháp giáo dục chuyên biệt, phương pháp giáo dục hòa nhập và phương pháp giáo dục bán hòa nhập. Mỗi một phương thức có những ưu và nhược điểm nhất định, phù hợp với những dạng tật khác nhau.

          Thứ nhất, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Ở phương pháp giáo dục này, người khuyết tật được giáo dục trong môi trường học tập hòa nhập với cộng đồng, xã hội, giúp người khuyết tật phát triển toàn diện, học tập và thích nghi với môi trường sống và làm việc sau này.

          Giáo dục hòa nhập thừa nhận sự khác nhau giữa người khuyết tật và người không khuyết tật và tạo môi trường hài hòa sự khác nhau ấy. Người khuyết tật sẽ tự lập hơn, vượt qua rào cản để bắt nhịp với người không khuyết tật. Ngược lại, người không khuyết tật sẽ mở lòng, thấy hiểu và cùng giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập với môi trường.

          Đây được coi là phương pháp giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật trên cả nước bởi nó tương đối hiệu quả và đạt được mục tiêu giáo dục đặt ra. Tuy nhiên, mặt trái của phương pháp này là tình trạng kỳ thị, xa lánh, cô lập người khuyết tật diễn ra phổ biến bởi vẫn tồn tại rào cản về nhận thức của xã hội đối với người khuyết tật. Điều đó vô hình chung tạo ra vấn đề về tâm lý cho người khuyết tật, thậm chí khiến người khuyết tật sợ đến trường và tiếp xúc với bạn bè, thầy cô.

          Thứ hai, giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Tại đây, học sinh khuyết tật tham gia học trong các lớp chuyên biệt hoặc trong trường chuyên biệt tập trung hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng cá nhân và kỹ năng xã hội để học sinh có thể sống độc lập tới mức đối đa sau khi hoàn thành xong chương trình giáo dục.

          Trong môi trường giáo dục này, người khuyết tật được tiếp cận các phương pháp khác nhau nhằm phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và hi vọng đến một ngày nào đó, người khuyết tật sẽ trở nên "lành lặn" như những trẻ em khác. Đặc biệt, tại đây người khuyết tật không gặp phải sự kỳ thị, cô lập như đối với phương pháp giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, đặc điểm của phương pháp giáo dục này tách biệt với môi trường xã hội, ít tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, khiến người khuyết tật tự ti khi giao tiếp xã hội.

          Thứ ba, giáo dục bán hòa nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Những học sinh này tham gia vào một số hoạt động cùng học sinh bình thường trong trường học. Những hoạt động này có thể là những hoạt động ở một số môn học, hoạt động giáo dục. Thời gian còn lại, người khuyết tật được học chương trình riêng với những nội dung, phương pháp giáo dục riêng phù hợp với khả năng của họ. Phương thức này cũng được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hoà nhập.

          Mỗi phương thức giáo dục đối với người khuyết tật đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tùy từng đối tượng người khuyết tật thì người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để người khuyết tật được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân. Trong những năm gần đây việc giáo dục người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm. Nhờ những cố gắng trong thời gian vừa qua thì đã đạt được nhiều kết quả tốt trong việc giáo dục người khuyết tật.

Nguồn: donghanhviet.vn