Skip to main content
Ban biên tập | 10 March 2021

Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Bắc Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025, qua đó đạt kết quả đáng khích lệ.

Ông Dương Doãn Trung, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bắc Sơn cho biết: Toàn huyện hiện có 20 trường mầm non. Thực hiện Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng DTTS, phòng đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức dạy học theo các chuyên đề tăng cường tiếng Việt. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh các biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ; vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp 2 buổi/ngày.

http://baolangson.vn/uploads/2021/03/01/2-8.jpg

Một giờ học của cô và trò điểm trường mầm non thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện còn quan tâm đầu tư mua sắm thiết bị giáo dục, ưu tiên các điểm trường khó khăn; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng tiếng Việt của trẻ mầm non định kỳ; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên về phương pháp, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học để tăng cường tiếng Việt. Nhờ đó, đến nay tỉ lệ huy động trẻ em vùng DTTS trên địa bàn ra lớp đạt tỷ lệ 42,6%; hằng năm, huy động được 100% trẻ mẫu giáo DTTS ra lớp; 20/20 trường mầm non thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ vào các hoạt động. Nổi bật là trường mầm non xã Nhất Tiến (trường thuộc vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trẻ DTTS chiếm 98%).

Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nhất Tiến chia sẻ: Đa số các em học sinh ở đây khi bắt đầu vào làm quen với môi trường học tập mới còn rất nhút nhát, chưa nghe hiểu tiếng Việt. Ban đầu, các cô phải tạo hứng thú để trẻ chuyên cần đến lớp, tại các lớp học đều được trang trí đẹp, hấp dẫn, góc chơi phong phú, đa dạng với nhiều loại đồ chơi được các cô tự tạo từ những nguyên vật liệu tự nhiên. Quan trọng nhất vẫn là giao tiếp, trẻ mới đến lớp còn rụt rè, các cô phải trò chuyện thật nhiều, dần dần các bé nói tiếng Việt tốt hơn. Qua đó, giúp các em nghe hiểu, giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt.

Thực tế, để thực hiện hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS, các trường trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng các góc: “Góc tiếng Việt”, “Góc địa phương”, “Thư viện xanh”, tạo sân chơi bổ ích để trẻ tham gia các hoạt động tập thể, nhằm tạo môi trường để trẻ em được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt; khuyến khích trẻ em giao tiếp, tương tác bằng tiếng Việt. Các trường cũng từng bước xây dựng môi trường chữ viết (môi trường vật chất, môi trường xã hội) ở trong và ngoài lớp học; kết hợp với những hình ảnh có từ minh họa bằng chữ viết thường bên dưới. Các hình ảnh, chữ viết được trang trí tại các hành lang, trong lớp học, ký hiệu đồ chơi, ký hiệu đồ dùng cá nhân của trẻ, tận dụng các mảng tường để trẻ làm quen chữ cái tiếng Việt như: đọc, tô, nối, tìm chữ cái còn thiếu….

Bà Nguyễn Thị An, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Qua kiểm tra trong quá trình triển khai Đề án này của ngành giáo dục, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Bắc Sơn đều tiến hành rà soát, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với trẻ em, học sinh, điều kiện thực tiễn tại địa phương. Đồng thời, chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động tại cơ sở giáo dục, tạo nhiều cơ hội để trẻ em, học sinh tham gia thực hành, trải nghiệm, giao tiếp, tương tác với nhau bằng tiếng Việt.

Với việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở các trường mần non vùng DTTS mà thời gian qua, ngành giáo dục huyện Bắc Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật. Sau 5 năm triển khai, bình quân mỗi năm, gần 90% trẻ mầm non trên địa bàn huyện đạt đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục. Theo thống kê năm học 2019 – 2020, toàn huyện có 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đánh giá đạt mục tiêu phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi; 100% trẻ 5 tuổi nhận biết và phát âm đúng 29 chữ cái trước khi vào lớp 1.

Nguồn: baolangson.vn