Skip to main content
Ban biên tập | 9 August 2019

          Lợi dụng tâm lý tiêu dùng hàng Việt của người dân, các đối tượng đầu nậu đã thực hiện nhiều thủ đoạn để nhập lậu, sản xuất hàng nhái thương hiệu “Made in Việt Nam” tuồn vào thị trường tiêu thụ kiếm lời. Để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn các hành vi sai phạm.

          Nhận diện thủ đoạn

          Theo kết quả điều tra của lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn (QLTT), đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cơ sở sản xuất hàng hóa giả mạo nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo đã xuất hiện với nhiều hình thức tinh vi. Các loại hàng giả được lực lượng chức năng phát hiện nhiều nhất là hàng may mặc, đồ điện gia dụng, điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, điện thoại di động,… được sản xuất bên Trung Quốc, sau đó nhập lậu qua địa bàn để tuồn vào các tỉnh nội địa tiêu thụ với mác “Made in Vietnam”.

Cán bộ QLTT Lạng Sơn tập huấn nâng cao kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả

          Hành vi, thủ đoạn thường được các đối tượng thực hiện là các chủ hàng lớn trong nội địa đặt hàng với các chủ hàng bên Trung Quốc làm giả những loại hàng hóa mang nhãn hiệu trong nước có uy tín, có nhu cầu tiêu thụ cao như các sản phẩm có thương hiệu Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Unilever Việt Nam… sau đó thuê các đối tượng vận chuyển theo các đường mòn biên giới về nội địa qua nhiều công đoạn.
          Ông Trần Mạnh Hùng, đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết: Qua công tác đấu tranh, QLTT Lạng Sơn còn phát hiện thủ đoạn tinh vi, với quy mô lớn hơn, đó là các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở quy định dán nhãn hàng hóa để nhập khẩu hàng hóa giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Để đối phó với hoạt động kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng thường đặt sản xuất hàng hóa, in nhãn bằng tiếng Việt hoặc tiếng các nước khác; dán nhãn “Made in China” nhưng dễ bóc thay thế để nhập khẩu đến khi vào nội địa sẽ thay nhãn; thường vận chuyển nội bộ theo hình thức luân chuyển, phân phối hàng giữa các cơ sở, chi nhánh của doanh nghiệp để tránh việc kiểm tra xử lý về ghi nhãn hàng hóa của cơ quan chức năng.
          Nâng cao nghiệp vụ

          Trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tương đầu nậu, ngày 18/6/2019, Cục QLTT Lạng Sơn đã phối hợp cùng Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tổ chức hội thảo về cách nhận diện các thương hiệu Hàn Quốc đang được bảo hộ tại Việt Nam và bổ sung kiến thức về nhận biết ban đầu khi kiểm tra, xử lý hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

          Ngày 26/7/2019, Cục QLTT phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức tập huấn kỹ năng phân biệt, nhận biết hàng thật – hàng giả đối với những sản phẩm tiêu dùng thông dụng, hàng có thương hiệu ngoại được bảo hộ thường được các đầu nậu buôn bán, vận chuyển qua địa bàn Lạng Sơn như: các bao bì hoặc sản phẩm thương hiệu Unilever Việt Nam, các loại giầy, mũ thời trang…
          Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Tổng thư ký VACIP cho biết: VACIP và Cục QLTT Lạng Sơn đã và sẽ tiếp tục phối hợp để làm rõ các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả. Đồng thời nâng cao kỹ năng nhận biết, phân biệt hàng giả – hàng thật đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất kinh doanh trong nước nhưng thực tế không sản xuất hoặc sản xuất không hoàn chỉnh sản phẩm mà đặt hàng sản xuất, mua bán thành phẩm, mua, đặt in nhãn hàng hóa, sau đó thuê vận chuyển riêng từng nhóm sản phẩm, bộ phận, bao bì và nhãn mác vào nội địa tập trung lại lắp ráp, đóng gói thành sản phẩm hoàn chỉnh và đưa ra tiêu thụ. Trường hợp này các cơ quan chức năng thường rất khó khăn khi xử lý.
          Đấu tranh hiệu quả

          Song song với nâng cao nghiệp vụ, Cục QLTT Lạng Sơn thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như Đội 389 (chống buôn lậu và gian lận thương mại) tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an để đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả từ khu vực biên giới, cửa khẩu đến các điểm tập kết các hàng hóa trong khu vực nội địa. Trong đó, cục đã chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn quyết liệt đấu tranh chống hàng giả trên khâu lưu thông và đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển số lượng lớn được ngụy trang tinh vi.

          Điển hình như ngày 31/5/2019 Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội Tuần tra số 1 – Phòng CSGT –  Công an tỉnh Lạng Sơn kịp thời ngăn chặn 7 loại hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam, 2 loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam đang vận chuyển trên xe ô tô khách loại 16 chỗ ngồi BKS 29B-307.15. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt chủ hàng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu 62,5 triệu đồng; tịch thu hàng hóa trị giá 130 triệu đồng.

          Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 111 vụ vi phạm hàng giả nhập lậu với các hành vi giả mạo nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam”; xử phạt vi phạm hành chính gần 3,3 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 3.4 tỷ đồng.

          Thời gian tới, Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An… để trao đổi thông tin về thủ đoạn sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo đang diễn ra và đấu tranh đối với các đường dây buôn bán hàng giả lớn quy mô doanh nghiệp xuyên quốc gia. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh trên khâu lưu thông, dẹp các điểm tập kết hàng hóa nhập lậu và tăng cường tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và người tiêu dùng về các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng nhái, hàng giả.

Nguồn:  baolangson.vn