Skip to main content

Nhu cầu và những khó khăn, thách thức trong đào tạo nghề đối với người khuyết tật

          Nhu cầu học nghề của người khuyết tật (NKT) là rất lớn. Tuy nhiên, để có được việc làm trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt và nhiều áp lực đối với người khoẻ mạnh bình thường đã khó, với NKT – một trong những nhóm người “yếu thế” của xã hội điều đó càng trở nên khó khăn hơn.

          Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Khoảng 62% NKT trong độ tuổi lao động (15- 60 tuổi), trong đó có 15% lao động làm công ăn lương, 80% NKT hoạt động trong lĩnh vực phi chính thức không được trả lương; 75% NKT sống ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn có thu nhập thấp, không ổn định, cuộc sống khó khăn. Trong tổng số NKT từ 15 tuổi trở lên chỉ có khoảng 5% đã được qua đào tạo nghề, trong đó có 57% đào tạo trình độ sơ cấp nghề, khoảng 27% có trình độ trung cấp nghề, 16% có trình độ cao đẳng, đại học. Số NKT chưa qua đào tạo nghề chiếm khoảng 95%. Đây là vấn đề mà xã hội và những NKT quan tâm và mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có phương án giải quyết.

Những năm gần đây, việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ khác nhau.     Các tổ chức xã hội, tổ chức của NKT ở trung ương và các địa phương mỗi năm đã dạy nghề và hỗ trợ hàng ngàn NKT có việc làm, thu nhập như: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Hội Người mù Việt Nam; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

          Một số tổ chức Hội ở địa phương như: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá (với sự tài trợ của của Tổ chức Terre Des Hommes (Cộng hoà Liên bang Đức) đã phối hợp đào tạo nghề cho 117 học viên là NKT với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Sau 3 tháng học nghề NKT được các cơ sở dạy nghề nhận bố trí việc làm ổn định với thu nhập từ 2 -3 triệu đồng/người/tháng.

Dạy nghề may cho người khuyết tật

          Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh Thái Nguyên tổ chức lớp dạy nghề chế biến và bảo quản sản phẩm chè dành cho NKT – lớp học đầu tiên trên địa bàn tỉnh nằm trong chương trình dạy nghề cho NKT và lao động nông thôn năm 2016.

          Một số tổ chức quốc tế có văn phòng ở Việt Nam như: ILO, Hadicap, International, CRS, VNAH, Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha…, đã tham gia tích cực, chủ động nắm nhu cầu học nghề, việc làm của NKT, vận động, huy động các nguồn lực để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Các cuộc khảo sát, nghiên cứu về đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT đã được thực hiện, nhiều mô hình có hiệu quả đã được triển khai, nhân rộng. Các hình thức này đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc giải quyết việc làm cho NKT sau đào tạo nghề do tiếp cận được nguồn vốn.

          Đào tạo nghề giúp NKT có cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thu nhập nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Qua đó, giúp họ hoà nhập với cộng đồng, phát triển một cách toàn diện và bình thường như những người khác trong xã hội, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

          Thực tế cho thấy, nhu cầu học nghề của NKT là rất lớn nhưng hiện nay mới chỉ được đáp ứng một phần rất nhỏ. Đa số NKT mới chỉ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, số người học trình độ cao đẳng và trung cấp, đại học chiếm tỷ lệ nhỏ. Việc đào tạo nghề cho NKT vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Người khuyết tật mong muốn được học nghề, có việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân và đóng góp vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng xã hội

          Sự khác nhau về dạng khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, nhiễm chất độc da cam…) ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp, tiếp thu kiến thức của NKT. Vì vậy, khó khăn lớn của NKT là có việc làm không ổn định, thường làm các công việc tạm thời, lao động chân tay, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện… Rất ít NKT tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hoặc làm các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn cao nên thu nhập từ việc làm của NKT thường khá thấp, chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

          Mặt khác, phần lớn NKT thường mặc cảm, tự tin nên không thoải mái và yên tâm khi xa gia đình đi học. Nhiều gia đình NKT là hộ nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp nên không khuyến khích con em là NKT đi học mà muốn giữ ở nhà để trông nhà, làm việc nội trợ…

          Hiện có nhiều tổ chức, lực lượng tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT trên cùng một địa bàn địa phương và các tỉnh, thành phố, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng (bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm) chưa thường xuyên, chưa có đơn vị đầu mối theo dõi, thống kê về số NKT, nhu cầu, khả năng học nghề của từng trường hợp.

          Hàng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hướng dẫn các địa phương xác định chỉ tiêu và kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT, trong đó dành tối thiểu 10% chỉ tiêu hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách Nhà nước để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương trong kế hoạch hằng năm không đưa riêng chỉ tiêu này và không bố trí kinh phí riêng để tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT.

          Để có được việc làm trong nền kinh tế thị trường với sự canh tranh gay gắt và nhiều áp lực với người bình thường đã khó, với NKT – một trong những nhóm người “yếu thế” trong xã hội điều đó càng trở nên khó khăn hơn. Yếu tố khiến NKT khó cạnh tranh trong quá trình tìm kiếm việc làm nằm ở chính những khiếm khuyết mà họ đang mang trong mình. Nhưng hơn ai hết, NKT mong muốn được hoà nhập với cộng đồng, được đóng góp vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng và xã hội… Vì vậy, điều cần thiết với NKT là được tham gia hoạt động giáo dục hướng nghiệp để có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội (về việc làm cho NKT), để họ có thể tìm kiếm việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân, giảm áp lực cho gia đình và xã hội. Có việc làm không chỉ mang lại niềm vui, thu nhập cho NKT mà còn là cầu nối giúp họ tự tin, hoà nhập với cuộc sống.

          Để có được điều đó, cộng đồng NKT mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm… với những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả./.

Nguồn: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội