Skip to main content

Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

           Hôm nay, ngày 18/12 tại Nhà khách Văn phòng Chính phủ, số 10 Chu Văn An, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức hội thảo : “Thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”.


Buổi hội thảo Thúc đẩy Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

          Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội triển khai Dự án "Nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại 04 quận, huyện Hà Nội" do Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ và Bộ Tư pháp là cơ quan đối tác tại Việt Nam. Dự án được thực hiện với sự tham gia của người khuyết tật tại 04 huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ và Sóc Sơn từ tháng 9/2019 - 12-2020.

Thực hiện kế hoạch hoạt động Quý IV/2020 và để góp phần hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật hòa nhập cộng đồng, Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo“Thúc đẩy Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”.

          Tham dự hội thảo có sự tham dự của Bà Đinh Thị Thụy – Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Trưởng ban, Ban Gia đình Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TS. Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam; Bà Dương Thị Vân – Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC); Bà Lê Thị Dịu, Cán bộ dự án Hội NKT thành phố Hà Nội cùng các đại biểu, các nhà báo, phóng viên truyền hình và sự tham gia thành viên của Hội NKT thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo Bà Đinh Thị Thụy – Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã đưa những chính sách và tình hình thực thi chính sách về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 58% tương đương 3,5 triệu người. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp NKT, đặc biệt là Luật Người khuyết được coi là luật khung thực hiện chính sách trợ giúp NKT.


Bà Phan Thị Quỳnh Như phát biểu tại hội thảo

          Cũng tại Hội thảo, bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Trưởng ban, Ban Gia đình Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra thực trạng bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện khung pháp luật, chính sách và công tác thực thi để bảo vệ phụ nữ và trẻ em khuyết tật tốt hơn. Cụ thể là: cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan; bổ sung, lồng ghép vào các luật hiện hành những chính sách đặc thù nhằm bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khuyết tật; đa dạng các hình thức và phương pháp thực hiện nâng cao nhận thức và hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật; có sự hỗ trợ kịp thời cho các dạng tật khác nhau như người khiếm thính, khiếm thị, người khuyết tật trí tuệ,...

          Đồng thời tại Hội thảo cũng đưa ra những giải pháp, những mô hình nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ khuyết tật và trẻ em khuyết tật tại Hà Nội nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Đặc biệt, nhằm nâng cao công tác thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình thì các tổ chức xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong tham gia xây dựng pháp luật và tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật.

          Nhìn chung, bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cần được giảm thiểu khi có sự chung tay của cả xã hội, trong đó lấy phòng ngừa là chính, chú trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đồng thời hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm kịp thời bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Nguồn: donghanhviet.vn