Skip to main content

Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh: Dấu ấn một nhiệm kỳ

           Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh được thành lập năm 2015. Sau 5 năm thành lập, hội đã phát triển tổ chức cơ sở, hội viên NKT tham gia, để lại những dấu ấn tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ quyền lợi NKT, trẻ mồ côi (TMC) trên địa bàn tỉnh.

          Trong nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh đã đạt được kết quả tích cực.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà tết cho các trẻ em tại Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Ánh Sao, thành phố Lạng Sơn.   Ảnh:  ĐĂNG THUỲ

          Trong 5 năm qua, hội luôn xác định phát triển mạng lưới tổ chức hội cơ sở là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020. Theo đó, Ban Thường vụ hội đã ban hành các văn bản gửi phòng lao động – thương binh và xã hội các huyện, thành phố tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện về việc thành lập hội cấp huyện. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 huyện, thành phố đã thành lập được tổ chức hội. Đến nay, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã khảo sát, chụp ảnh, lập danh sách trích ngang để theo dõi từng hoàn cảnh của NKT, TMC trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng 11.181 NKT (trong đó, khuyết tật nhìn 1.145,  người khuyết tật thần kinh 2.016, người khuyết tật trí tuệ 1.266,  người khuyết tật khác 966 và trên 2.000 TMC, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). Qua đó, đã tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, quản lý cũng như tìm ra giải pháp hỗ trợ, chăm sóc thiết thực nhất cho NKT.

          Công tác tập huấn, dạy kỹ năng sống cho NKT được hội chú trọng. 5 năm qua, hội phối hợp với các sở, ngành tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sống cho NKT, TMC, tuyên truyền Luật NKT, Luật Trẻ em và hướng dẫn người thân của NKT sử dụng xe lăn, xe lắc. Qua đó, đã tiếp thêm kiến thức cho NKT về các kỹ năng sống, tiếp cận các kiến thức pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích cho chính bản thân.

          Công tác chăm sóc, bảo trợ NKT, TMC là nhiệm vụ trọng tâm của hội. Do đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở vận động nguồn lực, hỗ trợ, sẻ chia trong cộng đồng đối với NKT, TMC. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, hội đã vận động và tiếp nhận được gần 36.200 suất quà tặng cho NKT, TMC vào dịp Tết Nguyên đán để giúp đỡ họ có thêm điều kiện vui xuân, đón tết ấm cúng, tổng trị giá đạt trên 11,8 tỷ đồng.

Các thành viên Tổ chức Trả lại tuổi thơ (Mỹ) lắp ráp xe lăn để trao cho người khuyết tật tại huyện Lộc Bình.   Ảnh: ĐĂNG THÙY

          Giai đoạn 2015 – 2020, hội đã vận động các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tài trợ 1.442 chiếc xe lăn, xe lắc và gần 250 chiếc xe đạp trao cho NKT, TMC trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, hội phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, các câu lạc bộ thiện nguyện, nhóm hảo tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, tặng quà, tặng học bổng cho NKT, TMC. Theo đó, hội đã tặng trên 3.000 suất quà, 210 suất học bổng cho học sinh khuyết tật, TMC và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã giúp các em có thêm điều kiện đến trường học tập, nuôi dưỡng ước mơ và hòa nhập cộng đồng.

Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, TMC cũng được hội quan tâm, đẩy mạnh, giúp đỡ NKT có việc làm, kiếm thêm thu nhập để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tiêu biểu như: Mô hình NKT làm nghề đan chổi chít do bà Dương Thị Từ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tạo việc làm cho 8 – 10 NKT và cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Mô hình Cơ sở may công nghiệp của NKT, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, do bà Nghiêm Thu Hường làm chủ cơ sở. Từ lúc thành lập cơ sở may đến nay đã dạy nghề may miễn phí cho 60 người câm, điếc. Cùng với đó, cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 NKT, thu nhập bình  quân 4,5 triệu đồng/người/tháng…

Thông qua các hoạt động, công tác hội đã trợ giúp, chăm sóc cho NKT, TMC trong năm 5 qua đạt trị giá trên 31 tỷ đồng.

          Tuy đã đạt những kết quả tích cực trong nhiệm kỳ qua, nhưng hội vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục như: mạng lưới tổ chức hội chưa được thành lập ở 8 đơn vị huyện nên việc triển khai các hoạt động, nắm bắt thực trạng của đối tượng NKT, TMC còn hạn chế. Công tác tuyên truyền pháp luật về NKT, quyền trẻ em chưa thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, quỹ hội chưa được tổ chức vận động nên việc giúp đỡ, chăm sóc các đối tượng không có nguồn hỗ trợ kịp thời…

          Trước thực tiễn hoạt động trong nhiệm kỳ qua, hội rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, quyết định, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, qua đó, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với thực tiễn của hội. Cùng với đó, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam và sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh vận động nguồn lực trong xã hội để chăm sóc, hỗ trợ NKT, TMC và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh ngày càng hiệu quả, thiết thực.

Nguồn: baolangson.vn