Skip to main content

Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người khuyết tật

           Việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản đối với người phụ nữ khuyết tật quả thực không đơn giản. Tuy nhiên đối với nhiều người khao khát được làm mẹ, có một đứa con là niềm mơ ước vì không phải người phụ nữ khuyết tật nào cũng có đủ sức khoẻ, điều kiện để có thể sinh con. Mang thai của những người phụ nữ bình thường đã rất khó khăn rồi, nhưng đối với những phụ nữ khuyết tật thì việc mang thai còn gặp nhiều vất vả hơn, đặc biệt là vấn đề sức khoẻ. Vì vậy mà việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản đối với phụ nữ khuyết tật vô cùng quan trọng.

          Bước vào thời kỳ đầu của thời kỳ thai sản, thai phụ nói chung đa phần sẽ gặp những cảm giác ức chế, gây ra nhiều bực bội là dạng tâm lý thường thấy của nhiều bà mẹ khi mang thai. Thời kỳ này các hoocmon trong cơ thể của người mẹ sẽ thay đổi, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các cơn ốm nghén xuất hiện khiến cho phụ nữ mang thai sẽ trở lên cáu gắt, nhạy cảm nhất. Vài tuần cuối cùng của thai kỳ, tâm lý của các bà mẹ cũng thiếu ổn định, cảm giác hoảng sợ khi ngày sinh tới gần.Với phụ nữ khuyết tật còn có thêm những lo lắng về sức khoẻ, cảm giác lo sợ không giữ được con luôn thường trực nên vấn đề ổn định tâm lý đóng vai trò quan trọng. Sau khi sinh em bé, người phụ nữ có thể gặp các chứng trầm cảm sau sinh do gặp nhiều áp lực.


Các phụ nữ khuyết tật được các bác sĩ thăm khám sức khỏe sinh sản

          Thời kỳ này sự quan tâm của người chồng không chỉ giúp vợ ổn định tâm lý mà còn thể hiện sự chia sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình. Đặc biệt hơn đối với những trường hợp khuyết tật khác như đối với người khiếm thị cần phải có những lưu ý riêng. Ví dụ khi đi làm đối với những bậc thang hay nhưng nơi dễ trơn trượt sẽ phải hết sức cẩn thận để tránh những cái va chạm có thể gây ảnh hưởng cho thai nhi. Những người phụ nữ khuyết tật trước hết là những người phụ nữ, có những khát khao làm vợ, làm mẹ rất bình thường. Và như những người bình thường, những người khuyết tật hoàn toàn có thể làm tốt thiên chức đó. Đối với những người khuyết tật nói chung, trước khi có con đều rất là lo lắng, đặc biệt là những trường hợp khuyết tật có mang yếu tố di truyền, họ luôn lo sợ, không biết liệu rằng khi con mình sinh ra có được khoẻ mạnh hay không, có biết khuyết tật không. Đây là lo lắng chung của bất kỳ người khuyết tật nào khi đứng trước quyết định sinh con. Sàng lọc trước sinh là một xét nghiệm phần nào sẽ giúp người khuyết tật chuẩn đoán vấn đề này. Với một số bệnh có nguyên nhân di chuyền như xương thuỷ tinh hay tan máu bẩm sinh (Thalassemia) được khuyến cáo không nên mang thai hoặc cần thận trọng bởi nguy cơ dị tật cao.

Sàng lọc trước sinh giúp thai phụ phát hiện những dị tật di truyền, dị tật nặng, để từ đó có kế hoạch xử lý trong nhiều trường hợp như huỷ thai sớm, đình chỉ thai nghén hoặc có sự can thiệp ngay khi sinh em bé ra. Người phụ nữ mà đã mang gen lặn rồi nếu cưới một người đàn ông cũng mang gen lặn thì khi đẻ con ra khả năng khuyết tật rất cao. Trong quá trình mang thai, đặc biệt đối với người khuyết tật cần thật lưu tâm đến vấn đề sàng lọc, đi khám thai, cần chuẩn bị cho mình các vấn đề về mặt thể chất và tinh thần. Ngoài việc kiểm tra sức khoẻ tổng quát thì người khuyết tật nên tiêm phòng trước khi quyết định mang thai như các mũi tiêm, Rubella, thuỷ đậu, cúm,…. Bên cạnh đó cần lưu ý bổ sung đầy đủ các vitamin, luôn giữ tinh thần thoải mái.

          Hiện nay, nhiều bệnh viện đã có thiết kế phù hợp đối với các sản phụ là người khuyết tật thuộc nhiều dạng khác nhau. Cùng với những chính sách ưu đãi, việc thăm khám đã trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Nên mua bảo hiểm là một lời khuyên từ các chuyên gia dành cho người khuyết tật. Những bà mẹ khuyết tật khi sinh, phải can thiệp phẫu thuật thì chi phí sinh nở sẽ cao. Bởi phụ nữ khuyết tật dễ tiềm ẩn các yếu tố đẻ khó. Ngoài ra, với mỗi dạng tật khác nhau nên có những lưu ý riêng. Ví dụ như sản phụ khiếm thị nên có những sự lưu ý trong sự đi lại, phải thận trọng với những va chạm, tránh chướng ngại vật. Sản phụ khiếm thính cũng cần học cách diễn tả những điều xảy ra trong cơ thể để diễn đạt với bác sĩ. Sản phụ là người khuyết tật vận động nên lưu tâm đến vấn đề đi lại, bổ sung canxi, lưu ý khám và cần người hỗ trợ ở những tháng trong thai kỳ khi bụng bầu to, nặng, ảnh hưởng đến cơ thể.

          Bên cạnh đó cần có những chính sách phù hợp, không phân biệt đối xử với NKT trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế; nghiên cứu, đưa ra các mô hình, các cách tiếp cận phù hợp trong chăm sóc SKSS đối với các nhóm yếu thế và đặc biệt hơn là giảm và không còn sự kỳ thị của chính gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ, cộng đồng xã hội mà NKT, người yếu thế sinh sống./.

Nguồn: donghanhviet.vn