Skip to main content

Đẩy mạnh thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho người khuyết tật

          Vẫn tồn tại một “khoảng cách chính trị” to lớn giữa những người khuyết tật và không khuyết tật, khoảng cách này sẽ luôn còn đó nếu không có sự tham gia của cả xã hội trong việc thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho người khuyết tật trên các nền tảng chính trị.

          Tại hội thảo mới đây do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân tiến tới kỷ niệm Ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18-4), bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, hướng tới bình đẳng nghĩa là hướng tới đạt được các kết quả phát triển bình đẳng và công bằng xuyên suốt cuộc đời – từ nền giáo dục chất lượng và cơ hội học tập suốt đời, khả năng tiếp cận bình đẳng với việc làm có chất lượng, tài nguyên thiên nhiên, đến bảo trợ xã hội và đưa ra các quyết định mang tính hòa nhập. Chúng ta sẽ khó lòng đạt được các kết quả thực sự hòa nhập nếu thiếu tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Đẩy mạnh thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho người khuyết tật

Các đại biểu trao đổi thúc đẩy trao quyền cho người khuyết tật

          Quyền tham gia chính trị của người khuyết tật được quy định tại Điều 29 Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD). Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam (VFD) đã công bố chủ đề của Ngày Người khuyết tật Việt Nam 2021 là An toàn – Bình đẳng: An toàn trong đại dịch Covid-19 và bình đẳng trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy quyền tham chính của người khuyết tật.

          Theo bà Thái Thị Thanh Nga, Chuyên viên chính Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội, theo quy định, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân. Đây là khó khăn rất lớn đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao và sự cố gắng, nỗ lực của chính những người khuyết tật là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Nguồn: qdnd.vn