Skip to main content

Chàng trai khuyết tật Nguyễn Sơn Lâm biểu tượng về nghị lực sống

           Sinh ra đã mang di chứng chất độc màu da cam, tuổi thơ của Nguyễn Sơn Lâm không bình lặng như bao đứa trẻ khác, anh phải ngày đêm vật lộn với bệnh tật và một vóc dáng không trọn vẹn. Tuổi thơ “dữ dội” ấy đã thôi thúc anh phải sống nghị lực hơn, vượt qua mọi khó khăn và trở thành tấm gương, là động lực cho bao người có hoàn cảnh như anh có niềm tin vào cuộc sống.

          Nguyễn Sơn Lâm sinh năm 1982 tại Quảng Ninh, trong gia đình có 4 anh chị em. Tròn một tuổi anh bắt đầu có dấu hiệu bệnh nặng của di chứng chất độc màu da cam từ người bố bị nhiễm trong thời kỳ chiến tranh. Chân tay anh teo lại, người thấp bé chỉ 90 cm, cân nặng chưa đến 30kg. Mặc dù đối mặt với bao khiếm khuyết trên cơ thể nhưng anh Lâm chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, anh luôn cháy bỏng và khát khao được sống, được làm việc và luôn lạc quan vào “sự an bài của số phận”.

          Nguyễn Sơn Lâm luôn là cậu bé ham học, anh chưa bao giờ làm bố mẹ thất vọng và lo lắng về mình. Đến tuổi đi học vỡ lòng, nhìn các bạn tung tăng đến trường còn anh chỉ có thể ở nhà ở nhà học chữ từ mẹ dạy, mẹ dạy anh cách nhận diện mặt chữ, cách đánh vần, viết rồi đọc thành thạo, lâu dần việc đọc và viết trên đôi tay èo oặt của anh cũng thành thạo và anh khao khát được đi học. Dù ốm đau bệnh tật nhưng bù lại cậu bé Lâm lại có cái đầu thông minh lanh lợi. Những lúc mẹ bận công việc anh lại tự mình nhoài người gắng gượng để tìm đến “con chữ” với niềm yêu thích vô cùng. Lên 6 tuổi anh song hành trên lưng mẹ đến trường, và hình ảnh cậu bé khuyết tật ngày ngày đến trường với niềm say mê học đã dần trở nên quen thuộc với bà con hàng xóm, với trường lớp và thầy cô bạn bè. Và anh cũng dần làm quen với đôi nạng gỗ để bớt phần gánh nặng cho mẹ. Nhờ vào nghị lực, sự chịu khó, ham mê học tập và ước mơ trở thành một giám đốc doanh nghiệp mà anh gặt hái được nhiều thành công: thành thạo 3 thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, từng đỗ 2 trường Đại học, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đào tạo Tỏa Sáng chuyên đào tạo về các kỹ năng sống cho các bạn trẻ, từng là phóng viên, biên tập viên của những tờ báo thể thao uy tín như: Thể thao và Văn hoá, Bongda24h, từng xuất hiện trên rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng, là khách mời trên các Chương trình truyền hình: Người xây tổ ấm (VTV1), Chat với V6 (VTV6), Mỗi tuần một câu chuyện (VCTV3), Chuyện của Lâm (VTV1), Những người mẹ đằng sau những đứa con thành đạt, 1 phút có trong sự thật (VTV1), Bài ca ân nghĩa, Những trái tim đồng cảm (Đài truyền hình HN)…

http://donghanhviet.vn/uploads/images/NguyenSonLam1.jpg
Anh Nguyễn Sơn Lâm tham gia chương trình Đánh thức khát vọng( Nguồn: Internet)

          Nguyễn Sơn Lâm còn là diễn giả cho các chương trình giao lưu tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, chương trình luôn thu hút hàng ngàn sinh viên tham dư, hơn 90% các bạn trẻ tham dự thay đổi cách sống, suy nghĩ tích cực vào cuộc sống và tìm ra hướng đi cho riêng mình.

          Năm 2011, một quyết định táo bạo của Nguyễn Sơn Lâm đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi một người khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam đã chinh phục đỉnh núi Fansiphan với độ cao 3.143m, nơi được mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương, đây được xem là một kỳ tích và thể hiện được nghị lực kiên cường không chịu khuất phục trước số phận của anh.

http://donghanhviet.vn/uploads/images/NguyenSonLam.jpg

Anh Nguyễn Sơn Lâm chinh phục đỉnh Fansipan (Nguồn: Internet)

          Với những nỗ lực không ngừng, quan điểm sống tích cực và phấn đấu không trở thành gánh nặng cho xã hội. Năm 2013, Nguyễn Sơn Lâm may mắn được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm nơi làm việc và chụp ảnh lưu niệm. Đó là niềm vinh dự của anh và cũng là sự ghi nhận cho những cố gắng của anh trong suốt hành trình vượt qua số phận. Được sinh ra trên đời đã là một ân huệ của tạo hóa, con người phải luôn biết quý trọng từng giây từng phút được sống và cống hiến cho xã hội. Với một người khuyết tật như anh, để sống bình thường như bao người khác là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự can đảm vượt qua bệnh tật và vươn lên khỏi số phận với phương trâm: “tàn nhưng không phế”.

Nguồn: donghanhviet.vn