Skip to main content

Quan tâm chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi

Quan tâm chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi

         Bằng nhiều hoạt động thiết thực như: phối hợp thăm, tặng quà; trao tặng xe lăn, xe lắc, học bổng; hỗ trợ xây nhà ở và triển khai các dự án hỗ trợ người khuyết tật (NKT), trẻ mồ côi (TMC)… những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (BTNKT&BVQTE) tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy của NKT, TMC và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

         Toàn tỉnh hiện có trên 12.000 NKT, TMC, trong đó có 8.902 NKT, chiếm 1,17% dân số toàn tỉnh. Chia theo mức độ khuyết tật thì có 1.667 NKT đặc biệt nặng; 4.897 NKT nặng, số còn lại là NKT nhẹ. Có 3.634 NKT thuộc hộ nghèo, đa phần sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ học vấn thấp, không thể sống tự lập, chỉ có khoảng 10% tự tạo được thu nhập.

         Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội BTNKT&BVQTE tỉnh cho biết: Để tạo việc làm cho NKT trong độ tuổi lao động hiện nay là rất khó do đặc thù của tỉnh không có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, mặt khác, số lượng doanh nghiệp chấp nhận tuyển lao động khuyết tật cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, với sự phối hợp của các cấp, ngành, hội đã kết nối để một số doanh nghiệp có các ngành nghề phù hợp tuyển dụng lao động khuyết tật như: nghề may, bán hàng… Bên cạnh đó, hội đã tuyên truyền, vận động để NKT, TMC học các nghề như: xoa bóp, bấm huyệt để họ có thể tìm được việc làm hoặc liên kết mở các trung tâm, điểm tẩm quất, bấm huyệt của người NKT.

Lãnh đạo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cùng Tổ chức trả lại tuổi thơ (Mỹ)

trao xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn huyện Lộc Bình

         Theo đó, trong năm 2018, hội phối hợp với Nhà may Sài Gòn tại thành phố Lạng Sơn đào tạo nghề may cho 9 NKT và nhận làm việc tại nhà may với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên; cơ sở làm chổi chít, câu lạc bộ tẩm quất, bấm huyệt vừa đào tạo vừa tạo việc làm ổn định cho từ 10 – 15 NKT có thu nhập ổn định.

         Bà Dương Thị Từ, chủ cơ sở đan chổi chít địa chỉ 108 đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi bị khuyết tật từ nhỏ nên khi nhìn thấy NKT tôi rất cảm thông và muốn giúp đỡ họ để sẻ chia khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, từ công việc làm chổi chít bán hằng ngày, tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, tiếp nhận những NKT vào cơ sở để đào tạo miễn phí và giải quyết việc làm cho họ từ 5 năm nay. Cơ sở chổi chít của tôi luôn tạo việc làm ổn định cho 6 NKT với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

         Song song với đó, các mô hình, dự án của hội triển khai cũng đạt được nhiều kết quả tích cực như: cơ sở chế biến bánh ngải tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn; mô hình nuôi lợn tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, Trung tâm Hy vọng Lộc Bình; cửa hàng tạp hóa tại Chợ Đông Kinh và đặc biệt là gian hàng NKT tham dự Hội chợ Thương mại Việt – Trung để bán, giới thiệu các sản phẩm do NKT sản xuất, chế biến như: rượu táo mèo, sấm sá, kẹo lạc, gạo lức rang… đã thu hút đông đảo khách hàng đến thăm quan và mua sản phẩm. Thông qua các mô hình đã tạo điều kiện cho NKT, TMC có thêm việc làm và có nguồn thu nhập ổn định.

         Cùng với những dự án, mô hình giúp NKT vươn lên trong cuộc sống, Hội BTNKT&BVQTE tỉnh còn chú trọng phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể kêu gọi, vận động các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ vật chất, tinh thần cho NKT, TMC.

         Trong năm 2018, hội đã trao tặng 140 chiếc xe đạp, 720 chiếc xe lăn, xe lắc; thăm, tặng gần 5.000 suất quà vào các dịp lễ, tết và 40 suất học bổng cho học sinh là người NKT, TMC. Tổng giá trị hoạt động của hội trong năm 2018 đạt trên 5,3 tỷ đồng.

         Bà Lương Thị Mỹ An cho biết thêm: Thông qua những việc làm thiết thực nêu trên đã giúp cho NKT, TMC từng bước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiện số NKT, TMC trong độ tuổi lao động chưa có việc làm, chưa có thu nhập ổn định vẫn còn nhiều. Do vậy, thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp dạy nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp cho NKT, TMC để có thu nhập, trang trải cuộc sống; hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội về hoạt động trợ giúp NKT, TMC; tích cực vận động xây dựng quỹ hỗ trợ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đồng hành cùng các hoạt động của hội. Qua đó, góp phần chăm lo, khuyến khích NKT, TMC vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Nguồn: baolangson.vn