Skip to main content
Ban biên tập | 9 January 2019

          TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết các bộ, ngành chức năng đã sẵn sàng cho việc thanh toán cho bệnh nhân điều trị HIV qua bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngày 1/1/2019.

          BHYT toàn dân - chính sách an sinh xã hội nhân văn

          Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, BHYT toàn dân là một chính sách bảo đảm an sinh xã hội hết sức nhân văn. Giai đoạn trước chúng ta được sử dụng nguồn viện trợ quốc tế, giờ viện trợ không còn thì việc chăm sóc người bệnh bằng BHYT là việc làm rất cần thiết.

          Để bảo đảm điều trị lâu dài, bền vững cho người nhiễm HIV, Nhà nước đã chỉ đạo 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT và chia làm các nhóm khác nhau. Nhóm được cấp miễn phí là đồng bào dân tộc, hộ nghèo. Nhóm thứ 2 là nhóm tự nguyện mua thẻ và nhóm thứ 3 là nhóm được hỗ trợ mua thẻ. Thuốc điều trị kháng virus HIV không phải trả tiền, được cấp miễn phí.

          Lý do về việc người nhiễm HIV được “ưu ái” đối với thẻ BHYT là: Thứ nhất, người nhiễm HIV phần lớn là nhóm dân số yếu thế, nhóm người nghèo. Việc cấp thẻ BHYT, không phải đồng chi trả tiền thuốc vừa là hỗ trợ vừa là yêu cầu họ phải khám chữa bệnh. Thứ 2, đó là vì công bằng xã hội. Hiện nay nhiều bệnh nhân đang được điều trị miễn phí từ nguồn viện trợ quốc tế, nếu người nhiễm dùng BHYT phải chi trả sẽ không công bằng. Chính phủ đề nghị các tỉnh trả luôn 20% tỉ lệ chi phí đồng chi trả và cuối cùng là vì lợi ích cộng đồng. Khi người nhiễm HIV được tạo điều kiện tối đa để điều trị họ sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm, có như vậy mới khống chế được dịch.

          Về chi phí BHYT cho người nhiễm không phải vấn đề lớn vì con số người nhiễm hiện nay khoảng 200.000 người trong tổng số 93 triệu dân. Chi phí cho điều trị HIV bây giờ cũng không quá mắc, mỗi năm người nhiễm chi trả khoảng 3 triệu đồng tiền thuốc (so với các bệnh khác phải phẫu thuật hoặc điều trị lâu dài như ung thư thì chi phí này không lớn). Người dân có thể hoàn toàn yên tâm là các bộ, ngành chức năng đã sẵn sàng cho việc chăm sóc sức khỏe người nhiễm HIV thông qua BHYT.

          Gần 90% bệnh nhân điều trị ARV đã có thẻ BHYT

          Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đã tăng lên nhanh chóng từ 30% (năm 2015) lên đến 89% ở thời điểm hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT.

          Ngoài ra, cơ chế tham gia BHYT cho người không có giấy tờ tùy thân đã được giải quyết trong Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.

          Bộ Y tế đã lựa chọn Phác đồ Bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở VN (Tenofovir/Lamivudine/Efavirenz 300/300/600mg và Zidovudine/Lamivudine/ Nevirapine 300/150/200mg). Huy động nguồn các chương trình, dự án viện trợ quốc tế để mua phác đồ bậc 2 và thuốc nhi toàn quốc. Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh tổng hợp, tính toán nhu cầu thuốc ARV BHYT 2019, gửi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia để mua sắm. Tổng số cơ sở nhận thuốc ARV năm 2019: 190/433 cơ sở điều trị thuốc ARV tại 63 tỉnh, thành phố. Trung tâm mau sắm tập trung thuốc quốc gia làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Thỏa thuận khung đã được ký ngày 26/10/2019 với Nhà cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị từ 1/1/2019, theo đúng tiến độ dự kiến.

          Để quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

          Công tác tuyên truyền, vận động để người nhiễm hiểu và chủ động tham gia bảo hiểm y tế cũng đã được đẩy mạnh. Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông bằng các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng nhằm cung cấp thông tin về lợi ích của điều trị ARV, lợi ích của điều trị ARV sớm, lợi ích và quyền lợi khi tham gia BHYT để được điều trị liên tục tới người nhiễm HIV nhằm khuyến khích, vận động người nhiễm HIV tự tham gia BHYT.

          Các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT và điều trị ARV và được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV tầm quan trọng tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT.

          Giải pháp hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV BHYT

          Thời gian qua, các bộ, ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS có thể BHYT, đồng thời để thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV vẫn còn một số khó khăn, bất cập.

          Theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy  nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.

          Bên cạnh đó, trong bối cảnh còn nhiều nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí và để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2188 ngày 15/11/2016 quy định các địa phương bảo đảm các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV.

          Để giải quyết khó khăn trong công tác này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn số 380/AIDS-VP ngày 30/5/2018 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020.

          Hiện nay đã có 35/63 tỉnh, thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63  tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.

          Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã đề xuất và được Quỹ Toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

          Chương trình HIV quốc gia được đánh giá là đi tiên phong trong tất cả các chươngtrình y tế công cộng hiện nay ở Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên sử dụng nguồn bảo hiểm cho điều trị HIV ở Khu vực Tây Thái Bình Dương với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn. Đối với người nhiễm HIV, nguy cơ lớn nhất khi không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, gia tăng tình trạng kháng thuốc, khi đó công tác điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém gấp bội phần. Vì vậy, sử dụng BHYT chính là pháo cứu sinh, là việc làm cần thiết đối với những người nhiễm HIV/AIDS.

Nguồn: tiengchuong.vn