Skip to main content
Ban biên tập | 2 November 2018

          Hiện nay, Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người” thuộc Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, nhưng trên thực tế, theo chức năng, nhiệm vụ thì hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đều thực hiện các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Nhiều địa phương đã có những cách làm tích cực để phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về kịp thời, hiệu quả.

          Tích cực chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức

          Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đã tích cực chủ động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, bản tin, lô-gô (logo), tờ rơi, giúp người dân hiểu rõ phương thức hoạt động, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong xã hội.

          Theo báo cáo của Cục Báo chí, tính từ tháng 1/2012 đến ngày 20/8/2018, đã có 2.479 tin, bài, phóng sự, ký sự, tọa đàm trường quay, chuyên mục “Vấn đề hôm nay”… phản ánh về công tác phòng, chống mua bán người đã được đăng phát trên các cơ quan báo chí (gồm báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử); 4.958 thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người được đăng tải trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, facebook, blog…).

          Để phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, mỗi năm, khoảng 200-300 phóng viên, biên tập viên thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn tổ chức tại các vùng, khu vực. 90% phóng viên các cơ quan truyền thông đại chúng từ Trung ương đến địa phương theo dõi mảng nội chính có kiến thức, kỹ năng viết và đưa tin về phòng, chống mua bán người.

          Tại các địa phương, theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các hoạt động tuyên truyền huy động sự tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về kết hợp với phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS được triển khai thông qua nhiều hình thức, đổi mới về nội dung, có hiệu quả cao hơn so với trước đây như cung cấp tài liệu tuyên truyền đến tận cơ sở, tổ dân phố và người dân, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật… Nhiều Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền trong học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng nghề, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, thanh niên thiếu việc làm, nhất là nữ thanh niên ở khu vực nông thôn để phòng ngừa nguy cơ bị mua bán.

          Kết quả, từ năm 2011 đến tháng 5/2018, đã tổ chức trên 400.000 cuộc truyền thông cộng đồng cho trên 20 triệu lượt người tham dự, hơn 8.000 lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép với phòng, chống tệ nạn xã hội cho thanh viên Ban chỉ đạo 138 địa phương; xây dựng, duy trì hoạt động hàng nghìn câu lạc bộ nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng bổ ích, thiết thực giúp chị em tự tin, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc; cấp phát trên 200.000 cuốn tài liệu các loại, kẻ vẽ gần 300.000 pano, áp phích, gần 400.000 tờ bướm và thực hiện trên 200 chuyên đề, chuyên mục liên quan đến công tác này.

          Nhiều địa phương đã có những cách làm tích cực để phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về kịp thời, hiệu quả. Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang và nhiều tỉnh khác tổ chức tuyên truyền, quảng bá số điện thoại 18001567 của Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người và chăm sóc, bảo vệ trẻ em….

          Công tác tuyên truyền, phòng ngừa không thể lơ là, chủ quan

          Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị, địa phương nắm tình hình lao động dịch chuyển qua biên giới làm việc trái phép; tăng cường truyền thông, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng dân cư thông qua hình thức đối thoại trực tiếp với người dân các vùng núi cao, người dân tộc thiểu số; biên soạn, in ấn và phát miễn phí hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng, sổ tay có nội dung về phòng, chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán…

          Tỉnh Nam Định thực hiện phát thanh 01 lần/tháng trên hệ thống đài truyền thanh của 229 xã, phường, thị trấn với nội dung tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy định về trách nhiệm, chế độ, trình tự, thủ tục hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

          Tỉnh Nghệ An tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động, thành lập các đoàn liên ngành (Công an, Tư pháp, Phụ nữ, Lao động-Thương binh và Xã hội) xuống các địa bàn để khảo sát, đánh giá và tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

          Tỉnh Đồng Nai tập trung tuyên truyền, cấp phát tờ rơi về phòng, chống mua bán người cho công nhân lao động cho các khu công nghiệp và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

          Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số Bộ, ngành và địa phương chưa chú ý coi trọng công tác phòng, chống mua bán người, chưa thấy được nguy cơ và hậu quả do tội phạm mua bán người gây ra; công tác nắm, dự báo tình hình tại một số địa phương chưa sát, chưa cụ thể nên hiệu quả phòng ngừa chưa cao. Có địa phương báo cáo hằng năm không phát hiện hoặc chỉ xảy ra 01-02 vụ nên không chủ động tham mưu hoặc trực tiếp đề ra các kế hoạch, biện pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này. Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn nên nên việc xác định là nạn nhân rất khó khăn, tội phạm hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện nên công tác tuyên truyền, phòng ngừa không thể lơ là, chủ quan.

Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người” đến năm 2020 thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt ngày 05/7/2017. Việc thực hiện Đề án nhằm đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chho mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống mua bán người, để mọi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, chủ động tích cực phòng ngừa, góp phần giảm nguy cơ mua bán người.

Đề án được duyệt vạch rõ các chỉ tiêu theo từng giai đoạn cụ thể:

Chỉ tiêu 1: Đến năm 2018, đạt 75% và năm 2020 đạt 100% xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.

Chỉ tiêu 2: Đến năm 2020, ít nhất 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và 50% số xã trên toàn quốc có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người.

Chỉ tiêu 3: Từ năm 2017, thông tin về phòng, chống mua bán người được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần.

Chỉ tiêu 4: Đến năm 2020, đạt 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi 14-60, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người./.

 

Nguồn: tiengchuong.vn