Skip to main content
Ban biên tập | 11 October 2018

Nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc để mua bán người, thời gian qua Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tập trung tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, quản lý và hỗ trợ hàng nghìn lượt lao động sang nước ngoài làm việc.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, trong những năm gần đây số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Phần lớn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu ở các thị trường khu vực Đông Bắc Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm khoảng 90%, một số thị trường Malaysia, Trung Đông có xu hướng giảm còn 7 - 8%, còn lại các thị trường khác.

Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo quy định tại Khoản 6, Điều 44 Luật phòng, chống mua bán người, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,có lồng ghép các nội dung liên quan đến phòng, chống mua bán người.

Qua các đường dây nóng, từ năm 2010 - 2017, đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn trực tiếp và qua điện thoại cho gần 10.000 người lao động về quy trình, thủ tục, chi phí đi làm việc ở nước ngoài, thông tin thị trường tiếp nhận lao động, quy trình giải quyết khiếu nại và các phát sinh của người lao động,…

Phát hành ấn phẩm tuyên truyền gồm Bản tin việc làm ngoài nước được phát hành 4 số/năm với số lượng 5.000 cuốn với nội dung về các thị trường lao động ngoài nước, định hướng phát triển các thị trường, mô hình kinh nghiệm cơ sở về xuất khẩu lao động hiệu quả của Doanh nghiệp và địa phương; Sổ tay hỏi đáp, chủ yếu tập trung giải đáp chính sách, giải quyết những tình huống phát sinh mà người lao động thường gặp phải, tài liệu này được cung cấp cho người lao động thông qua các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ quan lao động địa phương và chính quyền địa phương các cấp. Hệ thống văn bản về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cung cấp một cách đầy đủ các quy định về xuất khẩu lao động gồm Luật và các văn bản hướng dẫn thực hành Luật, được phát hành 50 nghìn cuốn mỗi năm.

Thông tin cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử www.dolab.gov.vn: cho đến nay đã có hơn 5 triệu lượt người truy cập thông tin trên website này để tìm hiểu thông tin về các quy định và chính sách liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như tình hình thị trường lao động ngoài nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế, thành lập các Văn phòng Thông tin di cư  (MRC) tại Hà Nội và tại 5 tỉnh có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ngãi nhằm cung cấp thông tin độc lập và trực tiếp cho người di cư và giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các bên liên quan về di cư an toàn và nguy cơ của di cư lao động trái phép.

Việc công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận thông tin, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo trong hoạt động này, hạn chế nguy cơ người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành nạn nhân của nạn mua bán người.

Bồi dưỡng kiến thức cần thiết về pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại cũng như phong tục tập quán nước sở tại là điều vô cùng cần thiết đối với người lao động, giúp người lao động tránh được những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 18/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/8/2007 về chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, theo đó người lao động phải được tham gia ít nhất 74 tiết học về truyền thống, bản sắc dân tộc, nội dung hợp đồng ký giữa doanh nghiệp và người lao động, những vấn đề phải phòng ngừa...; Quyết định số 20/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 2/8/2007 quy định về việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Các văn bản này đã quy định rất cụ thể về chương trình đào tạo, nội dung và thời lượng đào tạo, về cấp chứng chỉ v.v... Cục cũng đã tham mưu xây dựng và ban hành nhiều tài liệu giáo dục định hướng cho các thị trường tiếp nhận lao động. Toàn bộ các tài liệu này đã được in và cấp miễn phí cho người lao động. Một số tài liệu đã được các doanh nghiệp phát triển cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như bổ sung phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với đối tượng người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp cũng chưa hoàn toàn thực hiện đúng quy định đối với việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, chưa trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để người lao động phòng tránh được những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc ở nước ngoài.

Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp có trách nhiệm cử đại diện để quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài; các doanh nghiệp đều đã cử đại diện quản lý lao động sang các thị trường doanh nghiệp đưa nhiều lao động đi và phần lớn các doanh nghiệp đã theo dõi, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động. Tuy nhiên, do địa bàn làm việc của lao động Việt Nam tại các nước rất rộng, trong khi số cán bộ của các Ban quản lý lao động lại rất mỏng; thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ với các cơ quan đại diện; nhiều quốc gia chưa có Cơ quan đại diện hoặc một Cơ quan đại diện phải kiêm nhiệm một số quốc gia cùng với kinh phí hoạt động còn eo hẹp, nên việc hỗ trợ người lao động có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chưa triệt để. Các cơ quan Đại diện ngoại giao, các cơ quan quản lý nhà nước mới quan tâm, tập trung xử lý chủ yếu các vụ việc khi đã phát sinh, những vụ việc lớn có tính chất nghiêm trọng hoặc mang tính tập thể.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ được thực hiện theo kế hoạch, đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Qua thanh tra, kiểm tra Cục đã phát hiện những sai phạm của doanh nghiệp và đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính, đồng thời phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách và đề nghị sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã hướng dẫn và đưa ra nhiều kiến nghị về quy trình, thủ tục, hồ sơ và nội dung liên quan đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với các doanh nghiệp, nhằm chấn chỉnh các doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện, đề xuất trình cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Thực tế, hiện nay tình trạng người lao động ở các tỉnh giáp biên giới di cư tự do ra nước ngoài làm việc diễn ra tương đối phổ biến. Hằng năm có hàng trăm nghìn lượt lao động Việt Nam sang Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia làm việc ngắn hạn, kinh doanh buôn bán tại các cửa khẩu và các chợ ở vùng biên giới (Trung Quốc có khoảng 100.000 lao động; Campuchia: 4.000 lao động Việt Nam; Lào: khoảng 9.000). Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không quy định về hình thức này trong khi đây là đối tượng dễ bị lạm dụng, trở thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người.

Việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc ký kết các thỏa thuận để có những đầu mối bảo vệ những đối tượng lao động này là vô cùng cần thiết./.

Nguồn: tiengchuong.vn