Skip to main content
Ban biên tập | 9 October 2018

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo "Tham vấn Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030". Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi; các chuyên gia của UNCEF và lãnh đạo Phòng Bảo trợ xã hội của 10 tỉnh, thành.

ctxh
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (BTXH) cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực trợ giúp xã hội. Mục tiêu Đề án là kết hợp từ sự hỗ trợ từ Nhà nước với từ gia đình và cộng đồng, nhằm tăng cường khả năng của tất cả các đối tượng hưởng trợ giúp xã hội trong việc thích ứng với rủi ro và đạt được mức sống tối thiểu.

Ngày 14/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án tập trung vào ba hợp phần cơ bản là chính sách trợ cấp xã hội (trong đó đã tích hợp các chính sách trợ cấp tiền mặt hợp lý khác, đề xuất bỏ chính sách trợ cấp tiền mặt chưa hợp lý); trợ giúp khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp xã hội (bao gồm cả cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng và cơ sở trợ giúp xã hội).
Ông Nguyễn Ngọc Toản nhấn mạnh, mục tiêu Đề án là kết hợp từ sự hỗ trợ từ Nhà nước với từ gia đình và cộng đồng, nhằm tăng cường khả năng của tất cả các đối tượng hưởng trợ giúp xã hội trong việc thích ứng với rủi ro và đạt được mức sống tối thiểu.

Mục đích của Đề án là đưa ra các mục tiêu tổng thể trong việc mở rộng hệ thống trợ giúp xã hội hiện có, với tầm nhìn đến năm 2030; đặc biệt, làm rõ vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc giám sát, cấp kinh phí và triển khai việc mở rộng này.

Theo Đề án, mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020: 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội. 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025: 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; có chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội. 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 30% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
Tầm nhìn đến năm 2030: 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của Nhà nước, trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội; mức trợ cấp xã hội điều chỉnh phù hợp với khả năng ngân sách và xu hướng quốc tế. 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

Theo PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (IPPM)- Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện nhóm nghiên cứu, Quyết định 488 là một bước ngoặt lớn, đòi hỏi phải có kế hoạch hành động trong từng năm và cả từng giai đoạn. Đề án đặt ra những khung chung để thực hiện nhưng trên thực tế không phải làm được ngay mà cần phải liệt kê các vấn đề như: Mục tiêu, thời gian thực hiện, các hoạt động ưu tiên, trách nhiệm của các bên liên quan, nhu cầu về bằng chứng và nghiên cứu cũng như nguồn nhân lực và ngân sách. Các chính sách TGXH hiện hành đang thực hiện và mục tiêu trong Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030” vẫn còn một số khoảng trống chính sách, cần phải sửa đổi bổ sung để thống nhất thực thi.

Theo các chuyên gia, để thực hiện Đề án, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu của Đề án; nghiên cứu, xây dựng mức chuẩn trợ cấp xã hội và các hệ số trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của con người, theo vòng đời và bảo đảm hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế và lộ trình đề án.

Từng bước tích hợp các chính sách trợ cấp xã hội để ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, quản lý nhà nước; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án Luật: Trợ giúp xã hội, An sinh xã hội, Nghề Công tác xã hội.

Nguồn: molisa.gov.vn