Skip to main content
Ban biên tập | 9 October 2018

Vừa qua, Hội thảo Bình đẳng và hòa nhập cho phụ nữ khuyết tật (KT) tại Hà Nội, do Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức đã  thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật (KT) từ 5 tuổi trở lên, trong đó hơn 4 triệu người là phụ nữ KT và 1,2 triệu trẻ em gái KT. Đây là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, khả năng tiếp cận với các hoạt động giáo dục, y tế, việc làm cũng như các dịch vụ xã hội khác vẫn còn nhiều hạn chế. Hội thảo “Bình đẳng và hòa nhập cho phụ nữ khuyết tật” có sự tham gia của bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các tổ chức quốc tế; đại diện các Bộ ngành; đại diện Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng, đại diện các CLB phụ nữ khuyết tật… với nhiều mong muốn, nguyện vọng đã được lắng nghe và chia sẻ.

Phụ nữ KT thường là đối tượng chịu nhiều tác động nhất của nghèo đói do các rào cản về giới. Tỷ lệ nghèo đói, thiếu việc làm… của người KT cao hơn rất nhiều so với người bình thường, trong đó những khó khăn mà phụ nữ KT gặp phải cao ít nhất 3 lần so với nam giới. Họ ít được tiếp cận với những cơ hội phát triển cá nhân, có những hạn chế trong tiếp xúc xã hội, kinh tế, các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông…

ctxh

Bà Lan Anh, Giám đốc trung tâm phát triển vì cộng đồng ACDC phát biểu tại Hội thảo

Đặc biệt, phụ nữ KT thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với những phụ nữ bình thường, các quyền về sức khoẻ sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… Những khó khăn này cản trở người KT nhất là phụ nữ KT trong cuộc sống và hoà nhập với cộng đồng…

Theo đó, bà Lan Anh, Giám đốc Trung tâm phát triển vì cộng đồng ACDC cho rằng: Thúc đẩy việc làm cho phụ nữ KT cần sự phối hợp và thể hiện vai trò của các bên như các cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp; các hiệp hội đoàn thể và bản thân người KT. Chỉ có “Đi làm và có công việc là một cách hòa nhập vào xã hội nhanh nhất và khẳng định giá trị bản thân tốt đối với người KT”, bà Lan Anh nói.

ctxh
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, cần xây dựng các mô hình sinh kế dành cho phụ nữ khuyết tật

Tại Hội thảo, đại diện của các CLB người KT của Sóc Sơn, Hà Đông… nêu quan điểm, để tăng cơ hội việc làm đối với phụ nữ KT, cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, nâng cao học vấn và đào tạo nghề cho phụ nữ KT, đặc biệt là với nhóm phụ nữ KT trẻ tuổi - nhóm có thu nhập bấp bênh nhất, đang học và làm một nghề không được bảo đảm. “Đồng thời, có phương hướng thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong tạo việc làm cho phụ nữ KT. Ngoài ra, chủ trương tạo ra việc làm bền vững cho phụ nữ KT cũng cần thay đổi, phù hợp với khả năng của họ”, chị Nguyễn Thị Huê, Chủ nhiệm CLB người KT quận Hà Đông chia sẻ.

Bày tỏ sự đồng thuận, Luật sư Lê Hải Yến, Trưởng phòng luật ACDC, cán bộ Pháp lý dự án “Tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái KT” cho biết, phụ nữ và trẻ em gái KT có nguy cơ gặp phải những rào cản phương hại đến sự tham gia hữu hiệu, trọn vẹn vào xã hội (như sự kỳ thị của xã hội về tình trạng KT của họ).

“Phụ nữ và trẻ em gái KT luôn cần được xem là những đối tượng có nguy cơ bị phân biệt đối xử, đặc biệt là dễ bị bạo lực cao gấp 3 lần trong số các nạn nhân của hành vi bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái nói chung”, LS Hải Yến nói.
Để khắc phục điều này, bà Yến kiến nghị: “Nghiên cứu, ban hành các chính sách cụ thể, đặc thù về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái KT (lồng ghép trong các chính sách chung về phòng chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái) - Chú trọng đánh giá cơ chế thi hành chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái KT”.

Chia sẻ về mô hình Phụ nữ tự lực (dành cho phụ nữ KT), bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Gia đình xã hội (Hội LHPNVN) cho hay, mô hình này đã được Hội LHPNVN nhân rộng tại 17 địa phương trên cả nước.

Tại các mô hình, phụ nữ KT được giao lưu, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trong cuộc sống, công việc, được cung cấp thông tin, kiến thức về quyền của người KT, được tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm… qua đó từng bước giúp chị em xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống...

ctxh

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Do đó để thực hiện quyền của NKT nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng, các đại biểu tại hội thảo cho rằng trước hết cần thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối với NKT là giải pháp hỗ trợ NKT tiếp cận cơ hội việc làm.

Trong những năm qua, bên cạnh các chính sách, hoạt động thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ nói chung, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để tạo điều kiện nâng cao năng lực cho phụ nữ KT, phụ nữ nghèo, phụ nữ người DTTS … đặc biệt là những chính sách ưu đãi về tín dụng, chăm sóc sức khỏe...

Về điều này, Cục trưởng Cục Bảo trợ Nguyễn Văn Hồi cho biết, tuy hệ thống pháp luật về NKT đã tương đối đồng bộ, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể ở đây là liên quan đến giải quyết bình đẳng cho phụ nữ KT - đặc biệt nơi làm việc, thu nhập, rồi bạo lực bạo hành giới, gia đình vẫn còn; tiếp cận của chị em phụ nữ KT về giao thông, giải trí… vẫn chưa thật sự được đảm bảo.
Để bảo đảm hơn nữa cho phụ nữ KT phát huy được bản thân, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, theo ông Hồi thời gian tới phải tháo gỡ các cơ chế, chính sách, rà soát lại các luật liên quan đến tất cả các lĩnh vực.

“Số người KT có khả năng lao động nói chung và phụ nữ KT nói riêng cần được hỗ trợ học nghề, vay vốn để tạo việc làm hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho đối tượng này còn khá hạn chế, khiến nhiều người KT vẫn chưa được tiếp cận với các cơ hội việc làm”, ông Hồi cho biết.

Để giải quyết được vấn đề này, ông Hồi cho rằng cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc có cơ chế tháo gỡ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giải quyết vốn vay cho NKT, đồng thời cần xây dựng các mô hình sinh kế dành cho phụ nữ khuyết tật, nhất là phụ nữ KT nặng. Nếu không có những giải pháp, mô hình dành cho phụ nữ KT, thì không bao giờ họ có việc làm để bảo đảm thu nhập. Đến các Trung tâm Bảo trợ, các Trung tâm phục hồi chức năng có thể thấy có nhiều mô hình sáng tạo, đảm bảo được việc làm cho phụ nữ KT nặng như thêu, đan, làm các sản phẩm du lịch, quà tặng… vừa làm vừa vui chơi phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ.

Nguồn: molisa.gov.vn