Skip to main content
Ban biên tập | 9 October 2018

Vừa qua, tại Hòa Bình, Cục Bảo trợ Xã hội phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức chương trình Hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; TS.Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, đại diện Tổ chức UNICEF, đại diện các đơn vị thuộc Bộ và Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, các Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) của một số địa phương, cùng đông đảo phóng viên tới từ các đơn vị báo chí Trung ương và địa phương...

Trong những năm qua, triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (đề án 32), công tác truyền thông về nghề CTXH đã được đẩy mạnh với vai trò nổi bật của các cơ quan báo chí. Báo chí đã trở thành một kênh thông tin không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội hiện nay, mà còn là kênh phản hồi những đề xuất, kiến nghị, nêu ra những bất cập của Đề án để các ban ngành chức năng kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

ctxh

TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại Hội thảo

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông, ngay sau khi Đề án 32 được triển khai, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông phát triển CTXH. Đến nay, công tác tuyên truyền đã đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của CTXH, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội dể phát triển lĩnh vực CTXH và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về CTXH. Nhờ đó, Nghề CTXH đã được nhiều người biết tới, nhiều đối tượng yếu thế có thể trực tiếp tiếp cận với các chuyên gia để được tư vấn, giúp đỡ; nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chiêu sinh ngành CTXH với hàng ngàn người theo học...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Hiệp hội Nhân viên CTXH Quốc tế và Hiệp hội các trường CTXH Quốc tế định nghĩa công tác xã hội là: “Công tác xã hội thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ, tạo khả năng và giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi. Sử dụng các học thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với các môi trường của mình. Nhân quyền và công lý trong xã hội là những nguyên tắc nền tảng của công tác xã hội”

ctxh

Ông Tô Đức Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội

Ông cho biết thêm, hiện Việt Nam đã xây dựng Luật Trẻ em, Luật Nuôi con nuôi, và các luật liên quan tới lĩnh vực an sinh xã hội...tuy nhiên chưa có quy định nào quy định rõ, cụ thể để nhân viên CTXH có quyền tiếp cận với trường hợp trẻ em bị bạo lực, có quyền được liên hệ với phía công an và các cấp chính quyền để xây dựng phương án can thiệp, trợ giúp cho trẻ như thế nào để phù hợp...

Vấn đề phát triển đội ngũ làm công tác xã hội đã được triển khai trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, các hiệp hội, hội, đoàn thể, nhưng người làm CTXH chưa nhiều, tập trung chủ yếu trong ngành LĐ-TBXH,và y tế, hiện nay mới chỉ phát triển tiếp ở lĩnh vực học đường, chưa có người hành nghề CTXH độc lập... Nếu không có Luật về công tác xã hội thì sẽ không thể phát triển đội ngũ làm nghề này. Hiện nay, ở Việt Nam số người cao tuổi khoảng 10 triệu người, người khuyết tật gần 7 triệu người,... do đó, cần một lượng lớn nhân lực của ngành công tác xã hội. Căn cứ vào thực tiễn Dự thảo Luật có một số nội dung chính như sau: Hiện nay, tên gọi của Luật là “Luật Công tác Xã hội”; Đối tượng điều chỉnh, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động CTXH làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác...

Ông Nguyễn Thành Lợi cho biết đây là một lĩnh vực hay, đặc biệt khi Việt Nam đang từng bước hội nhập và thích ứng với những phát triển trong tương lai... Hội thảo lần này, nhìn từ góc độ truyền thông, cơ chế tác động của truyền thông nhằm thay đổi được nhận thức, thái độ và hành vi, đặc biệt quan tâm chú trọng tới chính sách. Ông mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường cung cấp thông tin hơn nữa. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Ông cho rằng cần có những chiến lược dài hơi, bài bản, liên tục nhằm làm thay đổi nhận thức của cộng đồng,...

Hội thảo đã được nghe các đại biểu trình bày những tham luận , những kinh nghiệm thực tiễn và chia sẻ những kinh nghiệm, những tình cảm cũng như những trăn trở trong quá trình tiếp cận với nghề công tác xã hội từ cả góc độ chuyên gia cũng như góc độ của giới truyền thông. 

Kết luận Hội thảo, ông Trần Ngọc Diễn cho rằng sau 2 ngày Hội thảo với những chuyến thăm cơ sở thực tiễn đến những bài khoa học đảm bảo nội dung pháp lý, liên quan đến những kinh nghiệm trong nước và ngoài nước cùng các kinh nghiệm thực tế của các địa phương... Hội thảo đã cung cấp những thông tin thiết thực nhất tới các phóng viên, và hy vọng những thông tin của hội thảo sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng để mọi người hiểu đúng về nghề Công tác xã hội và mong muốn thông qua đó sẽ giúp cho công tác hoàn thiện khung pháp lý về nghề Công tác xã hội trong thời gian tới./.

Nguồn: molisa.gov.vn