Skip to main content
Ban biên tập | 8 October 2018

          Theo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay hàng triệu người đã được trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

          Cụ thể, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.839.568 người, trong đó: 40.434 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.530.882 người cao tuổi trên 80 tuổi, 86.485 người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo; 1.006.923 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp; 4.389 người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; 111.687 người đơn thân nuôi con thuộc hộ gia đình nghèo. 
          Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được gần 59 tỉnh, thành phố thực hiện (còn 4 tỉnh chưa thực hiện: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Nam Định) trong đó Hà Nội, TPHCM sẽ triển khai trong Quý IV năm 2018.

          Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập, gồm 32 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 141 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 40 trung tâm công tác xã hội.

          Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 42.000 đối tượng bảo trợ xã hội, cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho hàng chục ngàn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, số đối tượng là trẻ em, người khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%; số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ 19,3%; số đối tượng là người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, còn lại là trẻ em, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành, nạn nhân bị buôn bán và đối tượng khác. Bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 100 đối tượng. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. 

          Đến nay, cả nước có khoảng trên 200 nghìn người làm công tác xã hội, trong đó có trên 17.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp (Phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, liên đoàn lao động, cựu chiến binh); trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình…tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng. 

          Để nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội các tỉnh, thành phố. Hàng năm, đào tạo công tác xã hội hệ vừa làm, vừa học cho khoảng 3.000 lượt chỉ tiêu/năm, đào tạo cán bộ, quản lý công tác xã hội cấp cao các tỉnh, thành phố; hỗ trợ cán bộ quản lý của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tham gia hoàn thành khóa học thạc sỹ công tác xã hội; phối hợp với các trường đại học đã tổ chức đào tạo cán bộ, giảng viên dạy nghề công tác xã hội cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm công tác xã hội, bảo trợ xã hội trong cả nước. 

          Ngoài ra, hàng năm, Đề án 32 còn hỗ trợ các tỉnh/thành phố bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 10.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như công tác tư vấn, tham vấn, trợ giúp đối tượng và người dân có nhu cầu, trong đó có đối tượng nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình.

Nguồn: tiengchuong.vn