Skip to main content
Ban biên tập | 29 June 2018

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân nên phần lớn người lao động ở các công ty phải tự xoay sở gửi con ở những cơ sở phù hợp với điều kiện sống. Mong muốn được gửi con ở các trường mầm non công lập nhưng điều này vượt quá khả năng của họ bởi công nhân chủ yếu từ các huyện lên thành phố lập nghiệp và ở trọ, không có hộ khẩu thường trú.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn 5.400 công nhân, lao động (CNLĐ) khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, trong đó có khoảng 2.000 công nhân nữ, hầu hết đang ở độ tuổi sinh đẻ, có con nhỏ. Do đặc thù công việc, nên việc tìm nhà trẻ cho con công nhân gặp rất nhiều khó khăn bởi họ thường phải đi sớm, về muộn, làm việc theo ca kíp. Bên cạnh đó, công nhân có nhu cầu gửi trẻ rất sớm (dưới 20 tháng tuổi) nên việc tìm nhà trẻ đáp ứng được nhu cầu là không dễ.

Chị Đàm Thị Huệ, công nhân Tổ Xuống goòng Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành (huyện Cao Lộc) kể: Khi con được 6 tháng tuổi, hết thời gian nghỉ thai sản, tôi đi gửi cháu nhưng nhỏ quá, không chỗ nào nhận. Tôi đành xin nghỉ không lương, tự nộp bảo hiểm để ở nhà trông con. Sau khi cháu được 1 tuổi, tôi phải gửi cháu ở nhà một công nhân đã nghỉ hưu với giá 100 ngàn đồng/ngày.

te

Con em công nhân Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp thành “tự trông nhau” trong dịp hè

Rất nhiều CNLĐ cũng mong muốn được gửi con ở các trường mầm non công lập nhưng điều này vượt quá khả năng của họ bởi công nhân chủ yếu từ các huyện lên thành phố lập nghiệp và ở trọ, không có hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, vì quá tải nên các trường mầm non trên địa bàn mới đáp ứng được một phần nhu cầu của con em trong phường, xã.

Chị Trần Thị Hạnh, công nhân Công ty TNHH Bảo Long chia sẻ: Tôi làm công nhân, chồng làm nghề tự do, thu nhập của hai vợ chồng không ổn định nên việc cho con học ở một trường mầm non tư thục là điều không dễ dàng. Nhưng cho con ở nhà thì cũng không yên tâm vì thế tôi đã gửi cháu ở nhóm trẻ tư thục gần công ty để tiện đưa đón.

Không riêng chị Hạnh, nhiều CNLĐ có nhu cầu gửi trẻ nhưng thực tế còn thiếu trường lớp phù hợp khiến nhiều người phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát hoặc đưa con về quê gửi ông bà, họ hàng. Vào dịp hè, để tiết kiệm chi phí, một số CNLĐ để “con lớn trông con bé”, nhưng vẫn lo ngay ngáy vì sợ xảy ra tai nạn thương tích: bỏng, điện giật, ngã… với con trẻ.

Qua tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Bảo Long hiện có khoảng 250 CNLĐ có con nhỏ, nhưng chỉ có khoảng 30% trong số đó gửi con ở các trường mầm non công lập, tự thục. Vì CNLĐ chủ yếu là người ở các huyện, không có hộ khẩu thường trú nên phải gửi con ở các nhóm trẻ tư nhân giá cả dao động từ 800 đến 3 triệu đồng/tháng tùy từng độ tuổi, thời gian gửi trẻ. Bà Đinh Thị Minh Loan, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Bảo Long cho biết: Công ty hiện có đến 50% CNLĐ có con nhỏ. Để họ yên tâm làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, công đoàn cơ sở đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công ty tạo điều kiện về thời gian để CNLĐ đưa đón con đi học; mỗi ngày 30 phút vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ càng ngày càng lớn, hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Vì vậy LĐLĐ tỉnh đã tham gia phản biện dự thảo Nghị quyết số 64 về “Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018 – 2025” (HĐND tỉnh đã ban hành ngày 11/12/2017) để thúc đẩy sự hình thành các cơ sở mầm non ngoài công lập, tạo điều kiện cho con em CNLĐ được đến trường. Cùng với đó, LĐLĐ cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước thường xuyên quan tâm đến lao động nữ do đặc thù về giới; tạo điều kiện để họ có thể yên tâm hoàn thành tốt công việc chuyên môn vừa làm tốt thiên chức của người làm mẹ, chăm lo nuôi dạy con cái.

Nguồn: baolangson.vn