Skip to main content
Ban biên tập | 28 September 2018

          Theo số liệu từ Bộ Công an, trong số các vụ việc mua bán người xảy ra gần đây đã có không ít nạn nhân đang là học sinh, sinh viên (chiếm khoảng 8% số nạn nhân) bị các đối tượng xấu tiếp xúc làm quen qua mạng xã hội, tạo mối quan hệ thân thiện, tình cảm sau đó lừa gạt nạn nhân đi du lịch hoặc ra mắt bố mẹ, họ hàng,...để bán cho các đối tượng cò mồi ở vùng biên giới. Mặt khác cũng đã xảy ra một số vụ việc bắt cóc trẻ em, học sinh để bán ra nước ngoài.

          Thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ liên quan đến công tác phòng chống mua bán người, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chỉ đạo, triển khai bằng các giải pháp cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, kế hoạch liên ngành và chỉ đạo kiện toàn hệ thống thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đồng thời chỉ đạo tổ chức giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, tư vấn tâm lý phòng chống mua bán người cho học sinh thông qua chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

          Đối với cấp học mầm non, nội dung chương trình giáo dục mầm non giúp trẻ em nhận biết về bản thân, chức năng của một số bộ phận trên cơ thể,...Bên cạnh đó, việc giáo dục cho trẻ về đảm bảo an toàn, nhận biết một số trường hợp khẩn cấp, không đi theo người lạ, gọi người giúp đỡ,.. cũng được quy định trong chương trình.

          Tại Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể về nội dung giáo dục giới tính và phòng tránh bị xâm hại, bắt cóc được thể hiện trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của một số môn học, cụ thể như: Môn Khoa học lớp 5 có 4 chủ đề về Con người và sức khỏe, Vật chất và năng lượng, Thực vật và động vật, Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, trong đó có 9 bài có nội dung về giáo dục giới tính, phòng tránh bị xâm hại, bắt cóc,...

          Nội dung giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống  được đề cập nhiều trong chương giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT, thực hiện tích hợp thông qua các môn học liên quan như : Sinh học, Giáo dục Công dân, Ngữ văn…nhằm cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản, thiết thực về sức khỏe sinh sản, giới tính và các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

          Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, vị thành niên, sức khỏe về giới, giáo dục kỹ năng sống, kiến thức và kỹ năng phòng ngừa đối với việc lạm dụng, xâm hại tình dục cho học sinh, sinh viên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp; tổ chức các góc truyền thông giáo dục sức khỏe.

          Xây dựng sổ tay hướng dẫn bảo vệ trẻ trong trường học với nội dung thực hiện kỷ luật trẻ em bằng các phương pháp tích cực để làm cơ sở xác định các hành vi có vấn đề và phát hiện các vấn đề bạo lực thể chất, tinh thần và tình cảm ở những trẻ em bị xâm hại. Hướng dẫn giáo viên, cán bộ phụ trách công tác Đoàn - Đội bổ sung kiến thức và kỹ năng về kiểm soát hành vi và giải pháp hỗ trợ trẻ em phục hồi sau các tình huống bạo lực, xâm hại.

          NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” cho học sinh phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12); phối hợp với Báo Nhi đồng tổ chức chuyên mục Giáo dục kỹ năng sống trên các ấn phẩm của Báo.

          Các cơ sở giáo dục tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình “Phòng tư vấn học đường”, “Đội an ninh trường học” ở các trường THCS, THPT nhằm tư vấn, tham vấn cho học sinh kịp thời giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh; tiếp nhận thông tin để kịp thời giải quyết các vụ việc liên quan. Một số địa phương như TP. Đà Nẵng, TPHCM,... đã thiết lập đường dây nóng giữa nhà trường và cơ quan công an, trực tiếp cử một lãnh đạo nhà trường phụ trách tiếp nhận thông tin và xử lý các vụ việc xảy ra trong nhà trường và khu vực cổng trường.

          Bên cạnh đó phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường trong việc tổ chức truyền thông về phòng, chống tội phạm, mua bán người và xâm hại tình dục ở học sinh, sinh viên. Khuyến khích các em bị bạo lực, xâm hại tình dục và là nạn nhân của mua bán người chia sẻ thông tin, tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ trong nhà trường thông qua giáo viên, phòng tư vấn tâm lý, phòng y tế để được chăm sóc, tư vấn cụ thể. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể có liên quan trong việc điều trị các sang chấn tâm lý, chăm sóc về sức khỏe giúp các em là nạn nhân của tội phạm mua bán người hoặc bị bạo lực, xâm hại tình dục không mặc cảm, hòa nhập cộng đồng...

Nguồn: tiengchuong.vn