Skip to main content
Ban biên tập | 28 September 2018

          Mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán do các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trong thời gian qua chưa phải là nhiều, nhưng nhiều nạn nhân đã được trợ giúp kịp thời.

          Mua bán người là một trong những tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực với nhiều biện pháp khác nhau, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra khá phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam. Các nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em với mục đích bóc lột tình dục hoặc bị cưỡng ép lao động trong nước và nước ngoài.

          Tội phạm mua bán người nhắm đến các nạn nhân ở những vùng sâu, vùng xa, nơi người dân nhận thức còn hạn chế. Nạn nhân trở về thường bị tổn hại về mặt sức khỏe, tinh thần, thiếu các giấy tờ tùy thân cần thiết, có thái độ tự ti mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người và không dám tố cáo kẻ phạm tội do sợ bị trả thù...

          Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 15/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 420/QĐ-BTP ngày 14/3/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020.

          Theo Kế hoạch này, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp giao cho Cục Trợ giúp pháp lý là đơn vị đầu mối xây dựng tài liệu truyền thông và tổ chức tập huấn cho trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư về kiến thức và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về, nghiên cứu, đánh giá thực trạng và nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán để tăng cường hiệu quả trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh/thành phố thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về.  

          Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước còn tập trung vào việc thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý theo các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng và các hình thức khác trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính cho nạn nhân bị mua bán trở về.

          Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến hết năm 2017, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, thành phố đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho 188 nạn nhân bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, 50% trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật, 40,9% trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, 8,5% trợ giúp pháp lý theo hình thức khác.

          Theo Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán do các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trong thời gian qua chưa phải là nhiều, nhưng nhiều nạn nhân đã được trợ giúp kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc pháp luật khi trở về địa phương, đòi bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Qua những vụ việc cụ thể này đã kịp thời giúp nạn nhân và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu biết hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về phòng, chống mua bán người, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người ở trong nước và nước ngoài, trên cơ sở đó nâng cao ý thức cảnh giác, biết cách tự phòng ngừa và chống lại tội phạm mua bán người.

          Đồng thời, giúp các nạn nhân hiểu và tin tưởng hơn vào chính sách nhân đạo và chính sách trợ giúp pháp lý nhà nước; vào năng lực của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các Trợ giúp viên pháp lý. Đặc biệt, nhiều Trợ giúp viên pháp lý, luật sư được cử tham gia bào chữa hoặc đại diện cho nạn nhân tại các phiên tòa đã kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, bảo đảm công lý, mang lại thiện cảm và niềm tin vào tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Một số nạn nhân được trợ giúp pháp lý đã tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chung tay góp phần đẩy lùi tội phạm mua bán người.

          Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, và Vũ Thị Hường cho biết, công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.

          Nạn nhân bị mua bán và người thân của họ thường có tâm lý giấu kín sự việc và không biết quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của mình hoặc có biết nhưng vẫn không yêu cầu trợ giúp pháp lý, chỉ tìm đến chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền khi vụ việc bị phát giác hoặc đã rất nghiêm trọng.  Nhiều người dân tộc thiểu số không biết tiếng kinh nên gặp khó khăn khi tiếp cận, trình bày nội dung vụ việc và yêu cầu trợ giúp pháp lý cho họ.

          Sự phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội trong hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân có lúc, có nơi chưa được kịp thời nên việc phát hiện và chuyển gửi nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán còn hạn chế. Một số tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được trang bị cơ cở vật chất, trang thiết bị phù hợp, chưa bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu về tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng khi tiến hành trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng đặc thù này, đặc biệt là các tỉnh có chung biên giới có nguy cơ cao về tình trạng mua, bán người.

          Để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về, thời gian tới, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và phòng, chống mua bán người; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, danh sách địa chỉ, số điện thoại của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm và Chi nhánh, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Tiếp tục nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý, không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý mà còn cần hiểu biết về tâm lý và cách thức tiếp cận, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bị mua bán. Bố trí địa điểm tiếp phù hợp cho nạn nhân bị mua bán người để họ trình bày cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khi họ có yêu cầu được tiếp riêng.

Nguồn: tiengchuong.vn