Skip to main content
Ban biên tập | 5 September 2018

          Phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, những năm qua, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh đã gương mẫu, đi đầu hưởng ứng các phong trào, hoạt động, đặc biệt là nêu gương sáng trong phát triển kinh tế. Qua đây, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

          Một trong những tấm gương NCT điển hình về phát triển kinh tế là ông Bùi Quốc Việt, 80 tuổi, ở khu 3, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Từ một hộ kinh doanh cá thể, kinh tế gặp nhiều khó khăn, gia đình ông đã vay vốn ngân hàng, thành lập Doanh nghiệp tư nhân vận tải du lịch Việt Hưng (năm 2007) do ông làm chủ. Đến nay, doanh nghiệp có 5 xe ô tô thường xuyên hoạt động. Doanh nghiệp có một xưởng sửa chữa ô tô, cửa hàng bán phụ tùng. Hằng năm, doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập trung bình từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

ctxh

Mô hình kinh tế nuôi ong của người cao tuổi phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

         Ông Hứa Văn Hiến, NCT ở khối 3, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn lại phát triển kinh tế thông qua mô hình trồng rừng. Ông Hiến cho biết: Sau khi nghỉ hưu, tôi đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc, mua lại rừng thông và thuê trên 1.000 ha đất ở huyện Chi Lăng để trồng thông Mã Vĩ (năm 2008) – giống thông sinh trưởng nhanh, cho nhiều nhựa. Hiện 100 ha rừng thông của doanh nghiệp đã cho khai thác nhựa ổn định. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 100 tấn nhựa, trong đó có 60 tấn từ chính rừng của doanh nghiệp, 40 tấn thu mua từ các hộ dân có rừng thông trong vùng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, doanh nghiệp thu nhập khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 60 lao động.

          Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều NCT làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 72.730 hội viên NCT, trong đó có gần 24.000 hội viên vẫn trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Đặc biệt, gần 1.090 NCT được công nhận làm kinh tế giỏi, 106 NCT là chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh tạo nguồn thu nhập cho gia đình, các mô hình còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế và có những đóng góp thiết thực cho ngân sách Nhà nước.

          Ông Hoàng Văn Páo, Phó trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Để có kết quả trên, những năm qua, Hội NCT từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, tích cực tuyên truyền, khích lệ hội viên, NCT tham gia phát triển kinh tế và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Các cấp hội quan tâm liên kết, phối hợp tổ chức các buổi tập huấn kiến thức khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho hội viên, gia đình NCT. Từ năm 2012 đến nay, hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức được hàng trăm cuộc, thu hút hàng nghìn lượt NCT tham gia. Cùng đó, tổ chức cho hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế ở trong và ngoài tỉnh. Gần đây nhất, tháng 6/2018, hội tổ chức cho hội viên tham quan, học tập tại tỉnh Thanh Hóa.

          Bằng kinh nghiệm, trải nghiệm và không ngừng học hỏi, cống hiến, NCT đã trực tiếp tham gia hoặc hướng dẫn con cháu phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn. Qua đây, phát huy vai trò, vị thế của NCT trong việc giáo dục con cháu tinh thần tự lập, đức tính cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguồn: baolangson.vn