Skip to main content
Ban biên tập | 28 May 2018

            Hiện tại, theo cơ quan chức năng có khoảng 500 người Việt Nam bị mua bán đến Anh. Nạn nhân thường bị lừa gạt, dụ dỗ đưa sang Anh để lao động ép buộc trong các trang trại trồng cần sa hoặc các tiệm làm đẹp ở thành phố.

            Hiện nay, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhất là thời gian gần đây, tình trạng đưa người di cư trái phép từ Châu Phi, Trung Đông và Châu Á sang Châu Âu. Trong năm 2017, có khoảng 60 triệu người di cư trái phép vào Châu Âu, trong đó, cứ 10 người di cư thì có 9 người là nạn nhân của các đường dây mua bán người và có 46 triệu người đang sống trong cảnh nô lệ, bị buộc phải làm việc trong nhà máy, hầm mỏ, nông trại hoặc bị bán làm nô lệ tình dục.

            Theo Bộ Công an, tại Việt Nam, nạn mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trung bình mỗi năm có khoảng 500 vụ, với 700 đối tượng, lừa bán 1000 nạn nhân. Việt Nam được xác định là một địa bàn trọng điểm, vừa là địa bàn trung chuyển đi các nước khác; không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em, mà còn mua bán đàn ông, mua bán bào thai, trẻ sơ sinh, nội tạng, đẻ thuê.

            Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 cũng đã quy định cụ thể các tội phạm mua bán người. Chủ tịch nước đã phê duyệt Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người; ký kết và triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người.

            Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người qua 03 giai đoạn 2004-2010, 2011-2015 và hiện nay đang tổ chức thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, trọng tâm là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả 5 đề án, gồm: Truyền thông; Đấu tranh chống tội phạm; Xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

            Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký và triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác phòng, chống mua bán người với Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, được các nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao trong cuộc chiến này.

Nguồn: tiengchuong.vn