Skip to main content
Ban biên tập | 27 August 2018

          Ngày 28/3/2018, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với tổ chức Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm. Tới dự có ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ - TBXH; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế; một số tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Chi cục PCTNXH một số tỉnh, thành phố. Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập chủ trì Hội thảo.

md

          “Nên hay không nên” hợp pháp hóa mại dâm

          Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, mại dâm là vấn đề tồn tại trong lịch sử xã hội. Ở một số quốc gia, mại dâm có khả năng tạo thu nhập cho bản thân đối tượng hành nghề và một số người có liên quan. Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO), tại các nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia,… mại dâm đóng góp từ 2-14% GDP, và tạo công ăn, việc làm cho hàng triệu lao động khác.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nghiêm cấm tệ nạn mại dâm và coi đó là hành vi vi phạm pháp luật, kể cả một số nước phát triển, có tư tưởng “thoáng” về quan hệ tình dục như Mỹ (chỉ có bang Nevada xem mại dâm là hợp pháp) và Việt Nam cũng nằm trong nhóm này. Tuy nhiên, một số nước lại cho rằng nên “hợp pháp hóa” mại dâm để dễ kiểm soát, quản lý. Nhưng sau một thời gian cho thấy, việc hợp pháp hóa mại dâm thường không đạt được những mục tiêu đề ra mà còn làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn, do đó, sau thời gian dài chấp nhận mại dâm như một nghề, các nước phải quay lại biện pháp cấm mại dâm. Vì vậy, vấn đề đặt ra “nên hay không nên” hợp pháp hóa mại dâm, là một trong những vấn đề luôn được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

          Đối với Việt Nam, năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 10/2003 về phòng, chống mại dâm. Chính sách này đã đánh dấu một bước tiến bộ trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về mại dâm. Tiếp sau đó, hàng loạt các văn bản, chính sách về phòng, chống mại dâm đã được ban hành, đặc biệt, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, trong đó, bỏ hình thức xử lí người bán dâm bằng biện pháp hành chính đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, điều đó cho thấy nhận thức của xã hội về mại dâm đã có sự thay đổi, trong đó tiếp cận vấn đề mại dâm trên cơ sở quyền con người.
          Theo ý kiến của ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, mặc dù công tác phòng, chống mại dâm đã và đang được các ngành và các cơ quan chức năng quan tâm và đạt được những kết quả nhất định, song tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.

          Còn đại diện Quỹ dân số LHQ (UNFPA) chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế về giải quyết vấn đề mại dâm theo cách tiếp cận dựa trên luật pháp, các yếu tố thuận lợi cơ bản bao gồm các chiến lược trọng yếu để tạo môi trường thuận lợi yêu cầu các nước phải rà soát lại các điều luật, chính sách và thực hành, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, ngăn ngừa bạo lực cũng như tăng cường sức mạnh của cộng đồng. Hiện, thế giới có 4 mô hình về cách tiếp cận mại dâm dựa vào luật pháp gồm: Hình sự hóa; Hình sự hóa một phần; Hợp pháp hóa và Phi hình sự hóa. Song, bất kỳ mô hình nào thì cũng đang gặp phải những vấn đề và rào cản nhất định.

md

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH phát biểu tại Hội thảo

          Cần có Luật về mại dâm

          Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất quan điểm, hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về phòng, chống mại dâm tương đối hoàn chỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm cũng bộc lộ một số điểm bất cập, không phù hợp với yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới, ngay cả mức xử phạt với hành vi mua bán dâm trong quy định vẫn còn quá thấp, không đủ sức răn đe. Do đó việc nghiên cứu, xây dựng Luật về mại dâm là cần thiết.

          Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập nhấn mạnh, Chính phủ giao Bộ LĐ-TBXH nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. Chúng ta đang tiếp cận công tác này theo hướng xây dựng các chính sách xã hội nhằm ngăn chặn, phòng ngừa trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, tạo điều kiện cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm thiểu tác hại lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, giúp cho người bán dâm bảo vệ mình cũng như người khác. Song dù có áp dụng biện pháp nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận mại dâm tồn tại có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Người hoạt động mại dâm cũng là những con người và họ có quyền được sống, được bình đẳng, đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại là giải pháp khả thi nhất và mang lại nhiều kết quả trong giai đoạn hiện nay. Và đã đến lúc phải sửa đổi, bổ sung và nâng Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thành Luật về mại dâm.

          Trong quá trình xây dựng Luật sẽ tiếp tục đánh giá, tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, đặc biệt là những bất cập, những vấn đề chưa bao quát hết, những vấn đề nảy sinh mới của tệ nạn mại dâm.

          Về dự thảo Luật về mại dâm cần bảo đảm nội hàm, quan điểm, nguyên tắc, cách tiếp cận Công ước mà Việt Nam đã tham gia về quyền con người, tôn trọng quyền công dân, quyền con người theo Hiến pháp. Trong đó, vấn đề hỗ trợ phòng chống bạo lực giới, giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm cần quy định cụ thể; tăng cường giải pháp về giảm hại cho người bán dâm, cho gia đình họ và cộng đồng; kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống xã hội những hành vi tổ chức hoạt động mại dâm, đặc biệt là mua bán, bóc lột tình dục, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

          Bên cạnh đó, cần tổ chức lấy ý kiến của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội trong quá trình xây dựng Luật về mại dâm, kể cả người bán dâm. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, lấy phòng ngừa là chính; kết hợp tư vấn, quản lý an ninh trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng; huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm đảm bảo các chính sách, pháp luật khả thi trong thực tiễn.

 Nguồn: molisa.gov.vn