Skip to main content
Ban biên tập | 27 August 2018

          Sáng ngày 19/1/2018, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương (Quyết định 29). Đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và đồng chí Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH đồng chủ trì Hội nghị , đại diện các sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố và đông đảo đại diện các đơn vị liên quan…

HIV
Toàn cảnh Hội nghị

          Chính sách cho người yếu thế vay vốn phát triển sinh kế theo Quyết định 29 là một chủ trương đúng và nhận được sự quan tâm, đón nhận không chỉ của những người yếu thế, gia đình họ mà còn của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thu hút sự vào cuộc của các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Dù mới thực hiện trong thời gian 1,5 năm tại 15 tỉnh, thành phố thí điểm nhưng hàng trăm người thuộc 4 nhóm đối tượng đã từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

HIV

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH phát biểu khai mạc Hội nghị

          Quyết định 29 có hiệu lực từ ngày 15/6/2014. Thời hạn vay tối đa 60 tháng. Hộ được vay tối đa 30 triệu đồng, cá nhân 20 triệu đồng. Lãi suất cho vay 6,5%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Giai đoạn 2014-2016 thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố với thời hạn cho vay vốn tối đa là 36 tháng.

          Sau gần 2 năm kể từ ngày Quyết định 29 có hiệu lực thi hành mới bố trí được vốn vay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trên cơ sở các báo cáo của Bộ LĐ-TBXH. Do vậy, thời gian thí điểm kéo dài đến hết ngày 31/12/2017.

          Bộ LĐ-TBXH đã lựa chọn, quyết định 15 tỉnh, thành phố thí điểm. Đồng thời cùng NHCSXH cũng như các cơ quan ở 15 địa phương tập huấn, hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và các nhóm người trong diện được vay, khảo sát nhu cầu vay của các nhóm, bố trí vốn, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để chuẩn bị cho vay…

          NHCSXH đã phê duyệt tổng kinh phí cho vay năm 2016 là 30 tỷ đồng, năm 2017 là 24,132 tỷ đồng. 12/15 tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn; 3/15 tỉnh, thành phố thí điểm tại một số quận, huyện như tỉnh Điện Biên thí điểm tại 3 đơn vị; Hà Nội, năm 2016 thí điểm tại 2 quận huyện, năm 2017 mở rộng ra 6 quận, huyện; TPHCM, năm 2016 thí điểm tại 13/24 quận, huyện, đến năm 2017 thực hiện ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

HIV

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu tại Hội nghị

          Kết quả, từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Chi nhánh NHCSXH 15 tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 12,883 tỷ đồng.

          Trong đó, số khách hàng chủ yếu là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ (48,8%), tiếp đến là cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150/504 (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84/504 (16,66%). Cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn chiếm tỷ lệ thấp nhất 21/504 (4,16%).

          Số vốn các cá nhân và hộ gia đình vay chủ yếu được sử dụng để chăn nuôi (lợn, gà, bò, cá, tôm…), trồng cây (cây ăn quả, hoa…), mở cửa hàng tạp hóa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để kinh doanh buôn bán nhỏ, bán cơm, chạy xe ôm, cắt tóc gội đầu… Và tất cả cá nhân, hộ gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi hàng tháng đúng quy định.

          Trong số 504 khách hàng vay vốn, có 44 cá nhân, hộ gia đình đã hoàn trả vốn vay và chưa có trường hợp nào trả vốn và lãi quá thời hạn. Số tiền dư nợ tính đến 31/12/2017 là 11,218 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch là 49,46%.

Nguyên nhân của việc hoàn thành chỉ tiêu thấp là do một số tỉnh/thành phố, khi khảo sát và tổng hợp nhu cầu vay vốn chưa tính đến những trường hợp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện vay theo quy định, để có kế hoạch đề xuất cấp vốn phù hợp với thực tế. Có một số tỉnh/thành phố, từ kết quả khảo sát, đề xuất NHCSXH bố trí vốn cho vay lớn, nhưng trên thực tế triển khai cho vay được ít, nên tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu thấp như Đắk Lắk 6,38%; Hải Phòng 32,22%; Thanh Hóa 37,38%; TPHCM 38,85%; Nghệ An 39,69%.

          Mặc dù vậy, có thể khẳng định, chính sách vay vốn theo Quyết định 29 đã có tác động tích cực, nhiều mặt đến công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, ma túy, mại dâm nói chung và việc hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng nói riêng.

Nguồn: molisa.gov.vn