Skip to main content
Ban biên tập | 21 June 2018

Đó là nhận định của ông Nuno Cunha- Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong cuộc trao đổi với Báo BHXH về vấn đề cải cách hệ thống BHXH.

* PV: Thưa ông, khi tham vấn cho Việt Nam xây dựng Luật BHXH năm 2014, ILO có đưa ra cảnh báo, nếu cứ áp dụng công thức cũ của Luật BHXH năm 2006 thì đến năm 2034, quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối. Vậy, với công thức như hiện nay thì quỹ BHXH có đảm bảo cân đối không?

          - Ông Nuno Cunha:

Tôi cho rằng, hiện các tín hiệu khá tích cực. Theo các kết quả ban đầu do chúng tôi phân tích gần đây, các vấn đề liên quan đến quỹ BHXH không quá tiêu cực. Điều này cho thấy những điều chỉnh trong Luật BHXH năm 2014 đã có những tác động tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn cần tiếp tục cải cách hệ thống BHXH để thích ứng với những thay đổi về nhân khẩu học, kinh tế... Nếu không điều chỉnh thì những quy định của Luật BHXH năm 2014 sẽ không đủ, có thể xuất hiện những dấu hiệu rủi ro trong tương lai.

Cùng với đó, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, hệ thống hưu trí bắt đầu xây dựng cho khu vực nhà nước, với khá nhiều ưu đãi cho những người có đóng góp trong xây dựng và phát triển kinh tế. Song, các tiêu chuẩn quốc tế tốt đòi hỏi các chế độ trong khu vực công phải giống với khu vực tư nhân. Và cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hòa nhập 2 hệ thống (khu vực công và khu vực tư) nên những khác biệt về chế độ BHXH sẽ mất đi trong thời gian không xa.

* Hiện có những lo ngại về nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH tại Việt Nam. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu và Việt Nam phải làm gì để thay đổi điều này?

- Cá nhân tôi không muốn nói đến vấn đề mất cân đối quỹ BHXH. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, nếu có tình trạng già hóa dân số mà không có điều chỉnh thì sẽ dẫn đến mất cân bằng quỹ BHXH. Điều chúng ta đang nhìn thấy trên thế giới chính là các quốc gia đều đã thực hiện các điều chỉnh để đảm bảo cân đối quỹ BHXH và rất hiếm quốc gia nào có hệ thống hưu trí nhà nước lại bị vỡ.

Sự khác biệt lớn nhất là các quốc gia khi tiến hành cải cách chính sách BHXH liệu có thời gian dài để thực hiện hay không. Nếu có thời gian dài thì các cải cách về chính sách BHXH sẽ được triển khai từ từ và tác động dần dần. Còn với các quốc gia vì lý do chính trị- xã hội nào đó phải trì hoãn (cải cách), có nghĩa trong tương lai sẽ phải thực hiện cải cách với tốc độ khá nhanh, thậm chí phải bằng các giải pháp “sốc”.

Tôi cho rằng, các đề xuất của Việt Nam hiện nay đang đi đúng hướng đến một hệ thống BHXH bền vững, nhằm đảm bảo lương hưu sẽ được chi trả trong trung hạn và dài hạn.

          * Theo ông, phương án nào để hệ thống ASXH phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH?

- Có 3 phương án chính để đảm bảo bền vững tài chính của một hệ thống an sinh xã hội là giảm chế độ, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng tỉ lệ đóng góp. Mỗi phương án đều có tác động khác nhau đến hệ thống an sinh và đồng thời tác động đến từng người dân, DN.

Do đó, cần tìm được giải pháp cân bằng 3 phương án trên; đồng thời cũng cần thực hiện cải cách từ từ nhằm đảm bảo người dân và DN có đủ thời gian để điều chỉnh. Đấy chính là phương cách đảm bảo tính bền vững về tài chính và xã hội của hệ thống BHXH.

Tôi được biết, Việt Nam đang đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu xuống 10 năm. Đây là một giải pháp tốt, cho phép những lao động có công việc ngắn hạn hoặc kém ổn định vẫn có thể có lương hưu. Tất nhiên, mức lương hưu sẽ không cao bằng những người đóng từ 25-30 năm, nhưng ít nhất là họ vẫn có một mức lương hưu cơ bản. Đặc biệt, nếu áp dụng các mức lương hưu tối thiểu thì đề xuất này sẽ có tác động đáng kể đến những NLĐ dễ bị tổn thương.

          * Theo ông, với điều kiện của Việt Nam hiện nay và trong khoảng 30- 40 năm tới, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nam là 62 và nữ là 60 có hợp lý?

- Rất tiếc là không có nhiều lựa chọn khác. Chúng tôi cũng hiểu không phải tất cả người lao động hài lòng với việc tăng tuổi nghỉ hưu và đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu về tuổi thọ trung bình, đặc biệt là tuổi thọ của những người sống từ 60 trở lên, có thể thấy ngày nay một phụ nữ Việt Nam khi đạt đến tuổi 60 thì có tuổi thọ trung bình đến 81,6. Như vậy, nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, phụ nữ Việt Nam sẽ nhận lương hưu hơn 26 năm. Tưởng tượng là nếu người này bắt đầu tham gia lao động từ 25 tuổi, tối đa có thể đóng được 30 năm.

Do vậy, không hề khó khi thấy được thách thức mà hệ thống cần xử lý. Lần này tình hình càng khó khăn hơn, không chỉ là việc tuổi thọ tăng, mà còn ở một yếu tố khác, đó là tỉ lệ dân số lao động trên 1 người già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn khoảng 2. Chúng tôi không tưởng tượng nổi hệ thống sẽ tồn tại như thế nào nếu các tham số như tuổi nghỉ hưu không được điều chỉnh.

Hiểu rõ được các thách thức với hệ thống nên việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng rất từ từ. Theo đề xuất là mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ năm 2020, nghĩa là đến tận năm 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến tận năm 2028 mới nghỉ ở tuổi 57. Việc tăng tuổi nghỉ hưu từ từ như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo.

Chỉ có một vấn đề, đó là còn sự khác biệt giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Nhiều người nói sẽ là công bằng nếu cho phép phụ nữ nghỉ hưu sớm, vì bên cạnh làm việc, họ còn thực hiện chức năng chăm sóc gia đình nên họ bận rộn hơn. Một số người cũng nói phụ nữ cần nghỉ hưu sớm, vì sức khỏe của họ không bằng nam giới. Những điều trên hoàn toàn sai lầm. Phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới. Về nguyên tắc, sức khỏe của phụ nữ sau giai đoạn chăm sóc con cái bằng hoặc tốt hơn sức khỏe đàn ông. Nếu nghỉ hưu sớm, phụ nữ sẽ có lương hưu thấp hơn lương hưu của đàn ông do thời gian đóng góp ít hơn, và thông thường phụ nữ có lương thấp hơn với nam giới (trong cùng công việc), trong khi thực tế phụ nữ lại sống lâu hơn nam giới. Do vậy, cách công bằng nhất là cần phải tiến tới cân bằng tuổi nghỉ hưu nam và nữ, cho phép phụ nữ nghỉ hưu với mức lương hưu cao hơn.

Tôi cũng cho rằng, việc Bộ LĐ-TB&XH không đưa lý do cảnh báo của ILO thành một trong các lý do để tăng tuổi nghỉ hưu là một cách tiếp cận tốt, khi không đánh động xã hội bằng việc gắn với “cảnh báo” của ILO. Việc cải cách của hệ thống hưu trí cũng như việc tăng tuổi nghỉ hưu là một nhân tố bình thường của bất kỳ hệ thống an sinh xã hội nào. Mối quan tâm đến tính bền vững là một yêu cầu của cải cách; tuy nhiên xã hội Việt Nam cần tránh việc gieo nỗi hoang mang về tương lai của hệ thống hưu trí.

Nếu chúng ta đi đúng theo các hướng cải cách trên, sẽ không còn lý do gì phải lo ngại nữa. Tất cả các hệ thống (hưu trí) hiện đại đều trải qua những cải cách tương tự và những hệ thống này vẫn đang hoạt động tốt để chi trả lương hưu cho người già.

          * Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: baobaohiemxahoi.vn