Skip to main content
Ban biên tập | 7 June 2018

Sáng 12/5, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khoá XII, Ban chấp hành Trung ương đã thông qua 3 nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách BHXH.

Trong đề án cải cách chính sách BHXH, Ban Chấp hành Trung ương đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề để tăng tính bền vững của chính sách.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực châu Á với khoảng 10 triệu người tuổi từ 60 trở lên. Tuổi thọ trung bình của những người sau 60 tuổi tại Việt Nam là 22 năm trong đó số năm khỏe mạnh là 13,8 năm đối với nam và 16,1 năm đối với nữ, có nghĩa số người ở tuổi 60 vẫn có thể lao động. Hiện nhiều ngành nghề đã cải thiện môi trường làm việc và giảm thiểu các yếu tố hao mòn sức khỏe của người lao động. Mặt khác, với trên 65% số lao động tuổi trên 50 vẫn tiếp tục làm việc và khoảng 40% độ tuổi 70-74 vẫn đang đi làm cho thấy chuyện kéo dài tuổi lao động - hay tăng tuổi nghỉ hưu là có cơ sở. Các chuyên gia lao động trong nước và quốc tế đều cho rằng: tăng tuổi hưu đang là vấn đề toàn cầu và sớm hay muộn cũng phải thực hiện nâng tuổi hưu.

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từng đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng; phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng. Thời gian tăng bắt đầu từ ngày 1/1/2021. Nếu theo đề xuất là mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ 2020, nghĩa là đến 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng từng đề xuất, đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu trước tiên thuộc nhóm nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ… để tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Riêng đối với những người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (như lao động trong ngành dệt may, thủy sản, công nhân cạo mủ cao su...) sẽ không thực hiện tăng tuổi hoặc có các chính sách phù hợp...

Tại diễn dàn của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII., phân tích việc tất yếu phải điều chỉnh tuổi hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dẫn chứng, năm 2017, cả nước có khoảng 1,3 triệu người bước vào độ tuổi lao động nhưng số người bước vào tuổi hưu đã xấp xỉ con số 1 triệu. “Như vậy có thể thấy rằng tới năm 2035, cả nước chỉ có thêm 200.000 người bước vào độ tuổi lao động và chỉ bằng 1/5 số người nghỉ hưu. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sự già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Dự báo của Tổng cục Thống kê, tới năm 2035, số người bước vào tuổi lao động là hơn 1,5 triệu và tuổi hưu là 1,3 triệu người.

So sánh giữa tỷ lệ đóng và hưởng lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết mức đóng bình quân vào quỹ BHXH là 22% và mức hưởng trung bình là 70%. Trong đó, nam giới đóng BHXH bình quân là 28 năm và có thời gian sống để hưởng lương hưu (sau 60 tuổi) là 22,5 năm; lao động nữ đóng 23 năm và hưởng tới 27 năm./.

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn