Skip to main content
Ban biên tập | 16 August 2023

Năm 2023 đánh dấu cột mốc 40 năm kể từ ngày các nhà khoa học Pháp lần đầu phát hiện LAV, loại virus tấn công hệ miễn dịch, sau này được gọi là HIV và được xác định là virus gây AIDS/SIDA. Bốn thập kỷ qua cũng là khoảng thời gian thế giới chạy đua nhằm chống lại căn bệnh khiến gần 40 triệu người tử vong.

cc

Quá trình điều chế vaccine ngừa HIV/AIDS đạt được nhiều tiến triển. Ảnh: GETTY

Phát hiện quan trọng

Theo Le Monde, năm 1981, hai người Mỹ đầu tiên đã được ghi nhận mắc căn bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch. Dù vậy phải tới hai năm sau, các nhà khoa học tại Viện Pasteur (Pháp) mới có thể xác định chính xác loại virus gây nên bệnh này. Thời điểm đó, hai thanh niên mắc bệnh đầu tiên là người đồng giới, vì thế tại Mỹ căn bệnh này thời đó bị gọi là “dịch bệnh của những người đồng tính (homosexuel) và sử dụng chất gây nghiện (héroinomane)”. Sau đó, do phát hiện ra nhiều người dân Haiti cũng bị bệnh, người ta lại gọi đây là bệnh “3H”. Về sau, nhiều người lại gọi căn bệnh này là bệnh “4H” do những người bị bệnh thường mắc chứng máu khó đông (hémophile).

Năm 1983, ba nhà khoa học F.Barré Sinoussi, Jean-Claude Chermann và Luc Montagnier (thuộc Viện Pasteur Paris) đã khiến thế giới ngỡ ngàng khi tuyên bố trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Science của Mỹ rằng, virus mà họ mới phát hiện ra “có thể liên quan một số hội chứng bệnh lý, trong đó có SIDA (theo tiếng Pháp)”.

Theo đó, HIV phá hủy các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Bệnh nhân thường tử vong do dễ bị mắc một số loại ung thư và nhiễm trùng mà bình thường cơ thể có thể đề kháng được. “Chúng ta đang phải đối phó một loại virus tấn công vào chính các tế bào miễn dịch trong cơ thể con người. Và đó chính là vấn đề, bởi virus không chỉ tấn công vào đó, không chỉ khiến hệ thống miễn dịch không vận hành được bình thường mà nó còn có thể ẩn náu trong hệ thống miễn dịch, gây ra hàng loạt bất thường trong cơ thể con người”, bác sĩ F.Barré Sinoussi cho biết.

Năm 1994, HIV/AIDS là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm người Mỹ trong độ tuổi 25-44. Do đây là bệnh lây nhiễm, những người mắc bệnh bị kỳ thị, thậm chí bị gia đình, bạn bè, đôi khi bị cả các chuyên gia y tế bỏ rơi. Một số mất nhà cửa, việc làm. Theo thống kê của Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), trong 40 năm qua, đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới.

TS Larry Corey, chuyên gia virus học, miễn dịch học và phát triển vaccine thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) đánh giá HIV là loại virus “khó nhằn” hơn nhiều so virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, khi có tới 98% số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay có thể hồi phục, trong khi không ai trong số hàng chục triệu người điều trị HIV có thể hồi phục hoàn toàn.

Chạy đua khoa học

Theo The Guardian, kể từ khi xác định được virus gây bệnh, các nhà khoa học đã dốc sức tìm hiểu mọi thứ về loại virus này, từ các protein cấu thành nên virus, cấu trúc bộ gene của virus, loại tế bào mà virus lây nhiễm vào, các hậu quả của việc bị lây nhiễm... Họ cũng chạy đua phát triển các xét nghiệm huyết thanh để phục vụ việc chẩn đoán và thực hiện các cuộc điều tra quy mô lớn, nhằm chứng minh rằng HIV chỉ gây bệnh AIDS/SIDA chứ không phải các bệnh khác.

Công việc tiếp theo là nghiên cứu các chiến lược để ngăn chặn dịch bệnh, cần đến nhiều nhóm nhà chuyên môn khác nhau, từ các nhà miễn dịch học, sinh học phân tử, bác sĩ lâm sàng và cả bệnh nhân. Năm 1996, các nhà khoa học đã bắt đầu kết hợp ba nhóm thuốc kháng virus nhằm điều trị bệnh này. Đây được cho là một bước ngoặt đáng kể trong công cuộc trị bệnh.

Năm 2000, LHQ và năm hãng dược phẩm lớn đã ký thỏa thuận phân phối thuốc điều trị với giá phù hợp với khả năng tài chính của các nước nghèo, trong khuôn khổ chương trình phòng chống HIV/AIDS của tổ chức nói trên. Một năm sau đó, một thỏa thuận khác đã được ký kết nhằm cho phép các nước đang phát triển sản xuất các loại thuốc có cùng gốc điều trị HIV/AIDS. Ngày 16/7/2012, phương pháp điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV đầu tiên đã được cấp phép tại Mỹ. Năm 2017, lần đầu hơn một nửa số người nhiễm HIV trên toàn thế giới được điều trị bằng thuốc kháng virus.

Bên cạnh cuộc đua trong phương pháp điều trị, các nhà khoa học cũng thử nghiệm nhiều loại vaccine trong suốt 40 năm qua. Trên tạp chí National Geographic, TS José Esparza thuộc Viện Virus học con người, Trường đại học Maryland (Mỹ) cho rằng, cần phải nhận diện được kháng thể nơi bệnh nhân nhiễm HIV để lấy đó làm nền tảng bào chế vaccine sản sinh loại kháng thể tương thích. Song, HIV lại liên tục đột biến thành nhiều chủng biến thể với tốc độ đột biến nhanh đến mức kháng thể không tài nào nhận dạng được. Các kết quả xét nghiệm máu của các bệnh nhân nhiễm HIV cho thấy, kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra luôn đi chậm hơn virus từ 3-6 tháng.

Năm 2000, các nhà khoa học chuyển hướng kích thích các tế bào T (đóng vai trò trung tâm trong miễn dịch của cơ thể) và tế bào B (hoạt động trong hệ miễn dịch bằng cách tiết ra các kháng thể). Cả hai cùng có chức năng tạo kháng thể nhưng tế bào T “sát thủ” còn giữ thêm nhiệm vụ tìm và diệt tế bào nhiễm bệnh. Vì vậy, thay vì kích thích sinh kháng thể như chiến lược đầu tiên, các nhà nghiên cứu kích thích tế bào T đi tìm và diệt HIV. Dù vậy, trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, loại vaccine thử nghiệm nghiên cứu theo hướng này còn bị nghi ngờ có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Giới khoa học đã cho rằng hướng nghiên cứu này đã “thất bại thê thảm”.

Đến năm 2009, các nhà khoa học Thailand đã kết hợp hai loại vaccine theo hai hướng nghiên cứu nói trên. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm virus HIV chỉ giảm ở mức 31%, tức là chưa đạt mức hiệu quả đáng tin cậy để được phê duyệt lưu hành. Song tới tháng 2/2020, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đã quyết định chấm dứt thử nghiệm kết hợp hai loại vaccine HIV, do các cuộc thử nghiệm lâm sàng bắt đầu từ năm 2016 với 5.407 người tham gia ở Nam Phi đã không tạo phản ứng miễn dịch bảo vệ nào.

Theo tạp chí y khoa The Lancet, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện một số ít bệnh nhân nhiễm HIV đã sản sinh loại kháng thể mạnh đặc biệt có thể vô hiệu hóa nhiều chủng HIV cùng lúc. Do đó, các nhà khoa học quyết định phát triển vaccine thúc đẩy “tế bào B nguyên vẹn” (tế bào B đã trưởng thành) nhận dạng được HIV đã đột biến để sản sinh “kháng thể trung hòa rộng rãi” (kháng thể chống lại nhiều chủng virus). Với cơ chế này, các nhà khoa học kỳ vọng vaccine sẽ đi trước virus một bước, tấn công trước khi HIV kịp đột biến và hạ gục chúng ngay khi tiếp xúc. Cho đến nay, các giai đoạn thử nghiệm loại vaccine này vẫn đang được tiếp tục và cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan.

Nhằm thúc đẩy nghiên cứu về phương pháp điều trị cũng như sáng chế vaccine, nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã có nhiều chương trình phối hợp và cho ra đời các chính sách thúc đẩy công việc nói trên. Điển hình, năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội nước này duyệt chi 670 triệu USD để hỗ trợ chống HIV/AIDS, trong đó ưu tiên tăng cường điều trị, bảo đảm tiếp cận công bằng trong điều trị.

Bốn thập niên qua, mặc dù khoa học y học đã có những bước tiến vượt bậc trong việc điều trị bệnh AIDS, song các chuyên gia y tế cho rằng việc điều chế vaccine đặc trị ngăn ngừa dịch bệnh vẫn là yếu tố tiên quyết nhằm xóa sổ dịch bệnh này.

Nguồn: nhandan.vn